Vẫn có “sốt” đất do thông tin quy hoạch

Cập nhật 12/04/2011 11:30

Dù bị siết chặt tín dụng nhưng thị trường địa ốc chưa bị ảnh hưởng ngay do có độ trễ nhất định, vẫn sẽ có những cơn “sốt” nhà đất mang tính cục bộ… là những vấn đề được các chuyên gia nhận định về thị trường bất động (BĐS) sản năm nay.

Thiếu vốn - “căn bệnh” muôn thủa

Bắt mạch thị trường BĐS, GS.TS Đặng Hùng Võ chỉ ngay căn bệnh muôn thủa là thiếu vốn. Thị trường này đang rơi vào tình trạng thiếu vốn như đã diễn ra vào cuối năm 2008, đầu năm 2009. Mức giá hàng hóa chung tăng gần 2% mỗi tháng, trong khi đó mức giá nhà ở hàng tháng có xu hướng giảm.

Siết vốn nhưng thị trường địa ốc vẫn chưa bị ảnh hưởng ngay.

Để có thể giải bài toán thiếu vốn, nhiều chuyên gia cho rằng, luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài có thể sẽ là “phương thuốc” đắc lực. Thế nhưng, ông Võ nhấn mạnh “pháp luật Việt Nam chưa cho phép thế chấp bằng BĐS để vay vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Căn nguyên của điều này là do ta chưa công nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi họ không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam”.

Theo ông Võ, khi pháp luật nước ta chưa được điều chỉnh lại theo hướng cho phép thế chấp bằng nhà, đất tại các ngân hàng thương mại nước ngoài thì chúng ta không thể có giải pháp vốn từ nguồn tín dụng nước ngoài được. Điều quan trọng là giải quyết nhà đất đã thế chấp thế nào khi người vay tiền không có khả năng trả được nợ đã vay, còn việc thế chấp thì dễ.

“Dù sớm hay muộn, chúng ta vẫn phải làm là cho phép thế chấp bằng BĐS tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Nhất là khi ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO”- ông Võ cho hay. Điều này nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường BĐS, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường chứng khoán ở nước ta hay mở rộng cơ chế mua bán, sát nhập doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Đây cũng là một trong những nội dung đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Tuy nhiên theo ông Võ, nếu sửa đổi tới năm 2013 mới được thực hiện thì sẽ phải chờ lâu, do đó nên sửa nội dung này trước, ngay trong năm nay để sớm giải quyết bài toán vốn cho thị trường BĐS ở nước ta.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, trên thế giới, sự bất ổn của thị trường BĐS là nguyên nhân xuất phát mọi cuộc khủng hoảng. Thế nên, giải quyết bài toán vốn cũng sẽ nhằm thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững hơn.

Sẽ vẫn có “sốt” đất

Hệ thống vốn của địa ốc Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng và nguồn vay trên thị trường, vì thế khi ngân hàng siết thì địa ốc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục quản lý thị trường BĐS và nhà ở Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, do có độ trễ nhất định địa ốc sẽ chưa bị ảnh hưởng ngay. Theo ông, nếu cuối năm nay ngân hàng vẫn không nới tay, thì phải sang đến năm 2012 thì địa ốc Hà Nội mới có thể bị tác động.

Ông Hà cho biết, hiện cả nước có hơn một triệu hộ dân sống trong diện tích nhỏ hơn 5 m2/người và tốc độ di cư từ nông thôn ra thành thị cao. “Bất động sản thăng hoa nhất khi có tốc độ đô thị hóa đạt 30-70%. Xét về trung và dài hạn, địa ốc Hà Nội vẫn có cơ hội phát triển. Thêm vào đó, cả nước hiện có 2.500 dự án ở khu đô thị mới, giá bán BĐS Hà Nội vẫn cao, với mức trung bình khoảng 31 triệu đồng mỗi m2” - ông Hà lạc quan.

Theo ông Võ, nghị định 71 cho phép chủ đầu tư được huy động 20% không qua sàn, 80% còn lại chỉ được phép bán khi đã xong móng và qua sàn đã khắc phục được rủi ro về việc bán nhà trên giấy, cũng là cách để giải quyết phần nào bài toán thiếu vốn. Do đó, năm nay vẫn sẽ có những cơn sốt nhà đất mang tính cục bộ, không bắt nguồn từ quan hệ cung cầu mà có thể do thông tin quy hoạch hoặc nhà đầu tư cố tình “đẩy giá”.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động