Vẫn có cơ hội thu hút những dự án tỷ đô

Cập nhật 23/06/2009 09:15

Đó là nhận định của ông Phan Hữu Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng cuối năm. Ông đã có cuộc trao đổi với báo chí chiều 22-6 về vấn đề này.

* Thưa ông, được biết, số liệu đầu tư nước ngoài năm 2008 vừa được cập nhật khác xa với con số ước tính vào thời điểm cuối năm. Tại sao có sự khác biệt này?

Đúng là sau khi tổng hợp đầy đủ báo cáo của các địa phương, tổng số vốn đăng ký vào nước ta trong năm 2008 lên tới 71,7 tỷ USD, trong đó cấp mới 1.557 dự án với tổng vốn trên 66,4 tỷ USD, còn lại là bổ sung vốn. Đây là một kết quả hết sức ngoạn mục, vượt xa con số báo cáo trước đó là 64 tỷ USD. Có sự chênh lệnh này là do báo cáo ban đầu dựa vào thống kê đến đầu tháng 12 của các địa phương; rồi một số địa phương chưa cập nhật số liệu kịp thời; mẫu biểu báo cáo cũng chưa thống nhất...

* Kết quả năm 2008 ấn tượng như vậy, song trong 6 tháng đầu năm nay dòng vốn FDI cấp mới đã giảm trông thấy, chỉ bằng khoảng 13% so với cùng kỳ. Ông có bình luận gì?

FDI suy giảm là hệ quả tất yếu của suy thoái kinh tế thế giới. Nhưng hãy nhìn vào số vốn bổ sung (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái) - điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệu quả thực sự của FDI đối với nền kinh tế thể hiện ở số vốn được giải ngân và tiến độ triển khai của các dự án FDI từ đầu năm đến nay là khả quan.

Với các điều kiện của Việt Nam hiện nay, mỗi năm nền kinh tế cũng chỉ có thể hấp thụ khoảng 10 tỷ USD. Vốn đăng ký lớn thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhưng số vốn giải ngân được mới phát huy hiệu quả thiết thực, bồi bổ “sức khỏe” cho nền kinh tế.

* Lĩnh vực nào được các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng trong thời gian qua?

Dịch vụ lưu trú và ăn uống thu hút gần 4,5 tỷ USD; tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản.

* Dự báo của ông về tình hình đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm?

Số vốn đăng ký vào Việt Nam trong cả năm 2009 vẫn có khả năng đạt khoảng 20 tỷ USD. Có cơ sở để tin như vậy, vì danh sách các dự án tiềm năng vẫn rất dài, lên tới 187 dự án, với tổng vốn ước tính 85,4 tỷ USD, cho dù từ dự kiến cho tới khi dự án được thực hiện còn một chặng đường dài.

Có thể kể tới một số dự án chờ có quy mô rất lớn như dự án khu phức hợp thương mại, du lịch Golden Bay City ở Lâm Đồng khoảng 6 tỷ USD, dự án đầu tư nhà máy lọc dầu và cảng đa năng tại Bạc Liêu của đối tác Luxembourg 3 tỷ USD, dự án khu công nghệ cao tại Cần Thơ 1,5 tỷ USD... Có những dự án lớn đã tiến rất gần đến bước được cấp Giấy chứng nhận đầu tư như dự án xây dựng khu hành chính cao cấp tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) với quy mô 2 tỷ USD.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng mức độ thu hút FDI như thời gian qua là chấp nhận được và tình hình đang diễn biến đúng hướng điều hành của Chính phủ và các cơ quan nhà nước, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng đã được Quốc hội phê duyệt.

* Cảm ơn ông!

Giải ngân được 4 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2009, cả nước có 306 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn trên 4,7 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế coi đây là con số khả quan trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Cũng trong 6 tháng qua, có 68 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2008. Như vậy, tính chung cả số dự án bổ sung thêm vốn thì tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam là trên 8,8 tỷ USD. Thêm một dự án thép được cấp phép trong tháng 6, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục đứng đầu danh sách các địa phương tiếp nhận FDI, tiếp đến là TPHCM (923 triệu USD).

Cùng thời gian, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 4 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2008. “Nhiều khả năng mục tiêu giải ngân 8 tỷ USD trong 2009 sẽ trở thành hiện thực”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng nhận định.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng