Văn bản nhà đất “hành” dân: Do chất lượng soạn thảo

Cập nhật 03/02/2012 10:30

Nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi đã phát hiện nhưng chậm được sửa đổi.

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến nhà đất, thực hiện các quyền hợp pháp như tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất ở vẫn gặp quá nhiều khổ sở. Điều đáng nói ở đây là nguyên nhân không nhỏ là do quy định pháp luật bất cập. Ví dụ như QĐ 19/2009 về tách thửa quá ôm đồm nhiều cách hiểu, QĐ 64/2011 về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất thiếu khả thi chậm sửa đổi, Thông tư 93 của Bộ Tài chính vô tình gây khó khăn trong việc cho ghi nợ tiền sử dụng đất…

PV đã trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh), về vấn đề này.

* Thưa bà, thực tế đã xảy ra tình trạng có một số văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời một thời gian đã phải sửa đổi vì không khả thi, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, văn bản “đá” nhau hoặc mâu thuẫn chồng chéo khiến các địa phương mỗi nơi hiểu mỗi cách. Bà nhận định sao về vấn đề này?

- Một văn bản khi còn trên giấy thì không bao giờ vướng mắc. Đến lúc áp dụng vào thực tế thì mới bắt đầu phát sinh những bất cập do không thể lường được hết những phát sinh trên thực tế. Đó cũng là điều bình thường nên các quy định pháp luật luôn cần được nhìn lại và điều chỉnh, sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, nếu chỉ trong thời gian ngắn mà văn bản mới ban hành đã bộc lộ tính thiếu khả thi, phải điều chỉnh sửa đổi thì đúng là có vấn đề về chất lượng của văn bản này.

* Vậy bà đánh giá ra sao về công tác điều chỉnh các quy định đã bị nhiều ý kiến rằng chưa phù hợp, thiếu khả thi?

- Tôi cho rằng việc sửa đổi vẫn chưa kịp thời, vẫn còn chậm. Cũng cần lưu ý thêm cho rõ, về nguyên tắc, cơ quan nào soạn và trình văn bản quy phạm pháp luật thì có trách nhiệm trong việc điều chỉnh, sửa đổi. Đã phát hiện quy định bất cập, cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý sửa đổi mà còn chậm trễ, đùn đẩy qua lại thì quả thật người dân sẽ càng khổ.

* Một văn bản quy phạm pháp luật muốn được ban hành thì phải qua trình tự thủ tục rất chặt chẽ. Vậy cơ quan nào đóng vai trò quan trọng nhất? Trách nhiệm của cơ quan thẩm định, chẳng hạn cấp TP là Sở Tư pháp là tới đâu?

- Mỗi một khâu có một nhiệm vụ khác nhau. Nếu đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì đó là vai trò của cơ quan thẩm định. Còn tính khả thi thì thuộc về vai trò chủ yếu của cơ quan soạn thảo và những đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp hoặc góp ý vì không ai nắm rõ thực tế hơn chính người trong cuộc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng khâu này hiện nay chưa được tốt.


Nhiều nguyên nhân dẫn đến một văn bản không có chất lượng cao. Cơ quan soạn thảo thiếu thực tế, không tiếp thu những ý kiến góp ý, chỉ nhìn trong ngành mình mà không bao quát quy định các ngành khác dẫn tới sự thiếu đồng bộ, mâu thuẫn chồng chéo. Trình độ của cán bộ soạn thảo cũng có hạn. Rồi những đơn vị phối hợp trong việc soạn thảo hời hợt, cho rằng không phải việc của mình. Đặc biệt, các cơ quan góp ý không nhiệt tình, chỉ qua loa hoặc đều cho hay thống nhất, trong khi đây là kênh thông tin quan trọng về thực tiễn trong ngành hay tại địa phương.

* Không ít cơ quan góp ý cho biết sở dĩ họ không nhiệt tình tha thiết có ý kiến vì phản biện bao nhiêu thì cũng ít khi nào được ghi nhận nên dần dà sinh ra nản. Bà có nghĩ vậy không?

- Theo quy định, cơ quan trình văn bản phải ghi cụ thể các ý kiến góp ý và lý giải rõ ràng tiếp thu hay không tiếp thu, lý do tại sao để những người góp ý cảm thấy thuyết phục. Nhưng thực tế thì không phải văn bản nào cũng được thực hiện như thế.

* Xin cảm ơn bà.


Phân cấp, giao việc rõ ràng để tránh ỷ lại

Không ít trường hợp văn bản ban hành chậm là do phải “xin ý kiến cấp trên”, cụ thể là đợi hướng dẫn hoặc ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Chẳng hạn trường hợp nộp tiền sử dụng đất cho phần vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình cá nhân hay các tranh chấp liên quan việc nộp tiền sử dụng đất tại Phú Mỹ Hưng…

Việc xin ý kiến có phải do hệ thống pháp luật không đầy đủ? Phải chăng có tâm lý e ngại trách nhiệm nên xin ý kiến cấp trên cho chắc?

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ung Thị Xuân Hương, có những chủ trương lớn phải xin ý kiến cấp trên hoặc phải chờ hướng dẫn. Cũng có những vụ việc phải xin ý kiến do giải quyết các hậu quả. Việc xin ý kiến cấp trên sẽ giải quyết được nhu cầu cấp thiết trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần được đưa vào các văn bản pháp luật thành những quy định pháp luật để có cơ sở pháp lý vững chắc. Theo bà Hương, không phải do sự e ngại trách nhiệm nên phải xin ý kiến cấp trên mà nguyên nhân chính là do sự phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm. Những trường hợp vượt thẩm quyền thì phải xin ý kiến. Muốn giảm bớt tình trạng này thì phải phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng hơn nữa.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP