Không cấp giấy vì chủ đầu tư hoặc người mua nhà không có lỗi là vô lý
“Giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN), nhất là cấp cho người mua nhà đối với các dự án phát triển nhà ở, kể cả trường hợp cấp cho toàn bộ dự án hoặc chỉ cấp phần hạng mục đã hoàn thành và bàn giao nhà ở cho người mua nhà”. Mới đây, Sở TN&MT nhắc lại trong buổi triển khai QĐ 1550 của UBND TP về kế hoạch tổ chức triển khai Chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh việc cấp GCN.
Hoàn tất không đồng nghĩa là cấp hết
Theo Sở TN&MT, UBND TP đã chỉ đạo đến cuối năm 2012, các quận, huyện phải hoàn thành công tác trên. Đến thời điểm đó, UBND TP sẽ tham gia hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chỉ thị của Thủ tướng.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Sở yêu cầu các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch thực hiện, lập báo cáo về tình hình cấp GCN. Trong đó nói rõ số lượng giấy đã cấp, số chưa được cấp, nguyên nhân tồn đọng hồ sơ, hướng xử lý khó khăn vướng mắc và đề ra chỉ tiêu cụ thể cũng như thời điểm hoàn thành… Sở TN&MT sẽ lập năm đoàn kiểm tra, trực tiếp đến các quận, huyện để làm việc về những vấn đề trên.
Hiện nay vẫn còn nhiều dự án nhà ở ở TP.HCM chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều nguyên do. Ảnh: HTD |
Các quận, huyện băn khoăn về cách hiểu hoàn thành việc cấp giấy. Ông Nguyễn Văn Thủ, Phó Chủ tịch UBND quận 7, nói: “Quận 7 có rất nhiều vướng mắc trong cấp GCN do nhiều sông rạch, bãi bồi, nhiều dự án xây sai mẫu nhà… Nếu là GCN cấp cho đất nông nghiệp thì quận 7 hoàn thành gần 98%. Còn nếu là đất nông nghiệp có GCN, hiện trạng là có nhà và chưa được cấp giấy thì số lượng rất nhiều, sẽ là nhiệm vụ nặng nề”.
Đại diện quận Bình Thạnh đề nghị Sở hướng dẫn rõ: Cuối năm 2012 hoàn thành việc cấp giấy là tính trên những trường hợp đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ tại quận hay toàn bộ những thửa đất, căn nhà trên địa bàn.
“Qua thống kê sơ bộ, tại quận có 30.000 trường hợp chưa cấp GCN. Nếu cuối năm nay phải hoàn thành thì đội ngũ cán bộ phải tăng lên 68 người để mỗi tháng cấp hơn 3.000 giấy” - quận này cho hay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng phòng TN&MT quận Phú Nhuận, thì nêu: Nếu cấp đại trà thì trong trường hợp người dân không có nhu cầu cấp giấy, do đó không có bản vẽ thì phải giải quyết ra sao? Quận này gặp nhiều khó khăn trong khâu cấp GCN vì mua bán nhà sai hiện trạng, nhà xây sai phép…
Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt giải thích: Đến cuối năm 2012 hoàn thành việc cấp GCN không có nghĩa là cấp GCN cho tất cả căn nhà, thửa đất trên địa bàn, mà chỉ tính trên những trường hợp đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ. Trường hợp không đủ điều kiện do vi phạm hay người dân không có nhu cầu nộp thì không xem là không hoàn thành.
Nhiều dự án đang bị ngâm vô lý
Theo đánh giá của Thủ tướng, việc cấp GCN tại các địa phương còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là thủ tục tại một số nơi chậm cải cách, phiền hà phức tạp, quá thời gian quy định. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết cấp GCN chưa giảm, tình trạng vi phạm pháp luật xây dựng và pháp luật đất đai còn phổ biến, nhất là các dự án phát triển nhà ở.
Còn thông báo kết quả kiểm tra việc cấp GCN tại 10 dự án phát triển nhà ở do Bộ TN&MT gửi UBND TP vào tháng 12-2011 vừa qua cho thấy: Hầu hết các dự án đều bị chậm. Trong đó, 5/10 dự án vi phạm như chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và chưa nộp tiền sử dụng đất, xây dựng sai phép, thay đổi công năng sử dụng các tầng… Dù có vi phạm nhưng Bộ nhận định: Một số trường hợp bị cơ quan chức năng tại TP từ chối nhận và giải quyết cấp GCN là không hợp lý. “Vì chủ dự án, nhất là người mua nhà không có lỗi, hoặc vướng mắc không liên quan đến phần diện tích nhà đất đã xây dựng như dự án khu dân cư Sông Giồng, dự án Khu nhà ở Bình An tại quận 2”.
Tại cuộc họp triển khai quyết định của UBND TP, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, cũng đồng tình về những khó khăn của người dân mua nhà dự án bị ách việc cấp GCN, có khi chỉ vì lý do hết sức kỳ khôi. “Có trường hợp mẫu nhà đính kèm không có dấu treo của KTS trưởng TP nên khi xin cấp GCN thì địa phương cho rằng đó là mẫu nhà dỏm, đề nghị phải phê duyệt lại và phải mất thêm… hai năm!” - ông Liên nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP