Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhằm tháo gỡ thế bế tắc cho thị trường BĐS tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây.
Ủng hộ nhà 25m2
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS hiện nay đang đóng băng, yếu kém do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nguồn vốn tín dụng. Nếu nguồn vốn tín dụng dồi dào, lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường. Còn vốn ít, lãi suất cao sẽ tác động ngược lại.
Người đứng đầu ngành xây dựng cũng chỉ ra thị trường sụt giảm còn do cầu trên thị trường thấp khiến BĐS dư thừa, hàng hóa không phù hợp với khả năng chi trả của thị trường, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Một mẫu căn hộ 25m2.
Để giải quyết bài toán này, theo Bộ trưởng Dũng vốn tín dụng cho thị trường rất quan trọng nhưng phải với nguồn cung tín dụng ổn định và lãi suất thấp, đặc biệt phải hướng tới người mua nhà. Với lãi suất ưu đãi người mua mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại hàng hóa BĐS, tăng tỷ trọng nhà ở có quy mô nhỏ và vừa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Giải thích về đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu 25m2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng Luật Nhà ở năm 2005 quy định nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 45m2, nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 30m2, cao nhất 60m2.
Tuy nhiên Luật Nhà ở khi đó chưa đề cập hết được những yếu tố tác động đến yêu cầu phát triển nhà ở và diện tích nhà ở. Theo số liệu điều tra dân số công bố tháng 4-2009, hiện xu hướng cơ cấu hộ gia đình là giảm số người trong hộ, chẳng hạn như năm 1999, bình quân 4,5 người/hộ, đến năm 2009 chỉ còn 3,7 người/hộ.
Cũng theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 6,9 triệu hộ gia đình ở khu vực đô thị. Trong đó, hộ có số người từ 4 trở lên chiếm khoảng 52,6%, từ 3 người trở xuống 47,4%, hộ độc thân chiếm 8,3%.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng quy định diện tích căn hộ tối thiểu nhỏ, như Trung Quốc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 20m2, Hàn Quốc còn nhỏ hơn, Singapore hay các nước xung quanh... đều xấp xỉ 20-25m2, thậm chí 15m2. Hay như tại Monaco (Pháp) có những căn hộ studio chỉ 15-20m2 và người dân cũng rất thích ở những căn hộ như vậy.
Trước nhu cầu thực tế, đặc biệt quan trọng là khả năng thanh toán của người dân, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp này và chuẩn bị đưa vào dự thảo Nghị định để trình Chính phủ giải quyết cũng nhằm để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Đau đầu thất thoát xây dựng
Trả lời câu hỏi của độc giả về vấn đề thất thoát trong xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là vấn đề bức xúc, nhức nhối, được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta còn nghèo, còn phải tiết kiệm nhiều để đầu tư phát triển thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết vấn đề xã hội.
Nguồn lực ít nhưng ta sử dụng không tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí là lỗi lớn. Có người nói tỷ lệ thất thoát 10 hay 20% nhưng hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể nào để khẳng định. Thất thoát trong xây dựng là một khái niệm vừa rộng, vừa hẹp.
Hiểu theo nghĩa hẹp, thất thoát chỉ là bớt xén vật liệu, nhân công… để chất lượng công trình giảm. Theo nghĩa rộng, thất thoát bao gồm cả lãng phí. Chẳng hạn, chất lượng quy hoạch kém hoặc quy hoạch chậm, như một đô thị đã phát triển rồi mới tính chuyện mở rộng đường phố sẽ rất tốn kém…
Thậm chí, với những công trình làm xong không sử dụng đến thì thất thoát, lãng phí bao nhiêu phần trăm? Đây là thất thoát, lãng phí bị động. Còn với những công trình thất thoát, lãng phí bao nhiêu phần trăm phải có kiểm tra cụ thể.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thất thoát, lãng phí rõ ràng không nhỏ, cần phải có giải pháp quyết liệt ngăn chặn. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia thẩm định thiết kế và dự toán, thậm chí thẩm định cả dự án, chứ không giao toàn quyền cho chủ đầu tư.
Hiện một số chủ đầu tư năng lực kém phải thuê tư vấn, dẫn đến thông đồng giữa các bên để tiêu cực… Đồng thời Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC