Ưu đãi hay bạc đãi?

Cập nhật 26/06/2010 09:10

Các phương tiện giao thông khi vào khu vực nội ô phải đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, trong khi cả 8 bãi đỗ xe mà UBND TPHCM đã quy hoạch từ nhiều năm trước hiện vẫn đang nằm trên giấy, dù đã có nhiều cam kết Ưu đãi trong quá trình kêu gọi đầu tư.


Bãi đỗ xe ngầm công viên Lê Văn Tám sau 7 năm triển khai vẫn còn nằm trên giấy . Ảnh: LT

Đánh đố nhà đầu tư?


Dự án bãi đỗ xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (quận 3) do Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (viết tắt IUS) làm chủ đầu tư, được Bộ KH&ĐT cấp Chứng nhận đầu tư vào ngày 5-8-2009. Công trình gồm hai khu: Bãi đậu xe 5 tầng hầm với diện tích bãi đỗ 72.321m2, có thể chứa tối đa 2.204 xe gắn máy, 1.250 xe ô tô con, 28 xe buýt. Khu vực dịch vụ có 3 tầng hầm, diện tích 30.904m2. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là trên 1.200 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức BOT với thời gian khai thác từ 40 đến 45 năm.

Sau 7 năm triển khai, dự án vẫn nằm trên giấy do vướng nhiều thủ tục. Tại công văn số 233 gửi UBND TPHCM mới đây, IUS cho biết không thể hoàn tất thủ tục về giao thuê đất dù UBND thành phố đã có quyết định chấp thuận từ hơn hai tháng trước. Mọi vướng mắc phát sinh từ Công văn số 404 ngày 15-1 của Sở TN&MT đề nghị cho IUS được giao, thuê đất đề cập đến khái niệm phần đất xây dựng công trình nổi trên mặt đất và được UBND TPHCM chấp thuận.

Khi IUS đã hoàn chỉnh hồ sơ giao thuê đất gửi cơ quan chức năng thì Sở Tài chính phát hiện khái niệm diện tích để xây dựng các công trình nổi trên mặt đất không có trong nội dung Giấy Chứng nhận Đầu tư và Hợp đồng BOT. Kể từ đó đến nay, dự án bị tắc hoàn toàn, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.

Sau 4 lần thay đổi, chỉnh sửa thiết kế, ngày 18-3-2008, dự án bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn (quận 1) do Cty Đông Dương (Hà Nội) làm chủ đầu tư được UBND TPHCM cấp Chứng nhận đầu tư. Đến lúc chuẩn bị khởi công, chính UBND TPHCM có công văn yêu cầu tạm ngưng. Khi ấy Cty Đông Dương đã tiêu tốn khoảng 30 tỷ đồng. Để bồi hoàn thiệt hại, UBND TPHCM đã yêu cầu nhà đầu tư chọn khu đất khác. Sau nhiều lần đề xuất địa điểm mới và không được chấp thuận, mới đây, UBND thành phố đồng ý cho Cty Đông Dương làm lại từ đầu dự án bãi đỗ xe tại khu đất trong khuôn viên sân khấu ca nhạc Trống Đồng.

Ưu đãi hay… bạc đãi?


Bãi đỗ xe của DNTN Thành Hiệp Phát (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) có sức chứa gần 600 xe các loại được xây dựng từ năm 2004 theo cơ chế khuyến khích đầu tư của UBND TPHCM. Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ một phần lãi vay đầu tư (trị giá khoảng 80 tỷ đồng). Đây là bãi đỗ xe đầu tiên được triển khai thực hiện từ chủ trương khuyến khích đầu tư của TPHCM.

Hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, suốt ba năm qua DN này vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ như thành phố đã cam kết trước đó. Theo Phó Giám đốc Trần Ngọc Văn, DNTN Thành Hiệp Phát đang lâm vào tình thế khó khăn vì vừa nhận được công văn của ngân hàng thông báo sẽ tiến hành phát mãi tài sản thế chấp (bãi đỗ xe) vì DN không trả được lãi vay.

Tại hội nghị đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật do Bộ KH&ĐT phối hợp UBND TPHCM tổ chức vào ngày 24-6, các dự án xây dựng bãi đậu xe đã được TPHCM đưa vào danh mục ưu tiên để kêu gọi đầu tư. Theo UBND TPHCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2025, quỹ đất dành cho bến bãi đỗ xe là 1.141 ha. Hiện nay, diện tích dành bố trí bãi đỗ xe trên thực tế chỉ đạt chưa đến 10%.

8 bãi đỗ xe ngầm đã được quy hoạch tại TPHCM:


Bãi đỗ xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng do Cty Đông Dương làm chủ đầu tư.

Bãi đỗ xe ngầm ở công viên Chi Lăng, do Cty kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Bãi đỗ xe ngầm tại công viên Bách Tùng Diệp, Cty điện tử tin học và hóa chất chủ đầu tư.

Bãi đỗ xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, do IUS làm chủ đầu tư.

Bãi đỗ xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư do Cty Đông Dương làm chủ đầu tư.

Bãi đỗ ở sân bóng đá Tao Đàn, Cty TTC đầu tư.

Bãi đỗ xe ngầm đại lộ Nguyễn Huệ có tổng vốn đầu tư dự kiến 319 tỷ đồng trong giai đoạn 1.

Bãi đỗ xe tại số 116 đường Nguyễn Du, dự kiến vốn đầu tư khoảng 285 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong