Chỉ còn khoảng 1 năm nữa là thời hạn vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc, đồng nghĩa với việc cơ hội sở hữu nhà ở đối với người có thu nhập thấp sẽ “khép lại”. Trong khi sau 2 năm triển khai, tỷ lệ người tiếp cận vay gói tín dụng này mới dừng ở con số 24%, thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Ngân hàng “ngần ngại”
Một trong những tiêu chí để xét đối tượng tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là thu nhập phải dưới 9 triệu đồng/tháng. Dưới góc độ ngân hàng, tiêu chí này lại bị coi là một “hạn chế” bởi những khách hàng vay vốn có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo anh Hạnh, chuyên viên tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội, với khoản vay mua nhà lên tới 80% giá trị căn hộ thì số tiền cho vay tương đương khoảng 600 – 700 triệu đồng. Nếu chia số tiền vay này ra 15 năm với lãi suất ưu đãi hiện nay là 5% thì cả gốc và lãi người vay sẽ phải trả khoảng 8 triệu đồng/tháng trong năm đầu và khoảng 4 triệu đồng/tháng trong năm cuối. Vậy với thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì việc trả nợ sẽ rất khó khăn, số tiền phải trả hàng tháng đã chiếm đến hơn 70% thu nhập của người vay.
Anh Nguyễn Thành, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, cho biết, anh làm phần mềm về máy tính ở một Cty CP với mức lương 7 – 8 triệu đồng/tháng. Về các tiêu chí để vay vốn ưu đãi thì anh đủ điều kiện nhưng phía ngân hàng lại từ chối với lý do nguồn thu nhập của anh không đảm bảo việc trả nợ.
Đây cũng là một nguyên nhân lý giải cho việc nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm hơn dự kiến, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất nhiều. Vấn đề ở đây là tiêu chí xét duyệt giữa đối tượng được vay vốn và tiêu chí về đối tượng cho vay của ngân hàng chưa đồng nhất(?).
Người vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chủ yếu mua nhà hình thành trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Tuấn
|
Vay tiền cho chủ đầu tư
Giá trị mua căn hộ phải từ 1,05 tỷ đồng trở xuống mới được xét cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Đây cũng là một quy định gây ra nhiều hạn chế đối với người vay mua nhà, nhất là khi Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 chưa có hiệu lực.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát nhận định, phần lớn những người tiếp cận được với gói vay 30.000 tỷ đồng chủ yếu đều mua nhà theo kiểu “trên giấy” chứ chưa có căn hộ thực tế. Giá trị căn hộ từ 1,05 tỷ đồng trở xuống cũng chỉ dừng lại ở nhà ở xã hội chứ chưa mở rộng sang nhà ở thương mại như một số thông tin mà truyền thông đưa ra trước đây. Giá bán nhà ở thương mại hiện nay hầu như không có giá bán nào thấp hơn 1,05 tỷ đồng.
Điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho người vay tiền mua nhà bởi bản chất họ đang vay nợ để đưa chủ đầu tư sử dụng, trong khi lại không có khả năng kiểm soát được việc sử dụng có đúng mục đích hay không (?).
Theo ông Sơn, quy định trong Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 mới đây (có hiệu lực từ 1-7-2015) sẽ góp phần hạn chế phần nào rủi ro cho người mua nhà. Tuy nhiên, nó cần sự “chung tay” rất lớn từ phía ngân hàng trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không kiểm soát tốt thì rủi ro vẫn sẽ rơi vào người dân trước, rồi mới đến ngân hàng. Quá trình giải quyết sẽ mất thời gian, gây thiệt hại cho các bên.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cũng đồng quan điểm. Theo ông Tuấn, hình thức bán nhà hình thành trong tương lai trước đây đã để lộ quá nhiều rủi ro khiến người mua nhà “sống dở chết dở”. Dự án thì ngưng trệ, chậm tiến độ tới hàng năm còn người mua nhà thì phải chịu áp lực về tiền vay nợ và lãi.
“Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực tế chưa giải quyết được nhiều trong vấn đề tồn kho BĐS, bởi những người vay tiền từ gói tín dụng này đều chủ yếu chờ nhà hình thành trong tương lai. Hay nói cách khác, gói tín dụng chủ yếu dùng để xây mới thêm các dự án nhà ở xã hội khác chứ chưa giải phóng “ách tắc” căn hộ BĐS hiện nay”, ông Tuấn nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật & Xã hội