Tuyến metro “rùa” Nhổn - ga Hà Nội: Suất đầu tư 2.440 tỷ đồng/km

Cập nhật 10/12/2014 10:39

Ngoài việc suất đầu tư cao ngất ngưởng, nhiều khả năng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội còn khó hoàn thành vào năm 2018.

Cho đến thời điểm này, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư đã vỡ một trong những mục tiêu quan trọng nhất: kiểm soát đường bao tổng mức đầu tư được xây dựng từ năm 2010.

Suất đầu tư tại Dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ước khoảng 1.333 tỷ đồng/km. Ảnh: Hà Thanh

Cụ thể, vào cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 393 triệu EUR cho tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,99 triệu EUR, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu EUR.

Về cơ chế tài chính trong nước, Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội vay lại 100% vốn ODA bổ sung; ngân sách Nhà nước tự thu xếp vốn đối ứng bổ sung cho Dự án.

Được biết, tháng 9/2014, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đề xuất điều chỉnh danh mục tài trợ Dự án. Theo đề xuất của Hà Nội, tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR, trong đó vốn ODA tăng từ 653 triệu EUR lên 957,99 triệu EUR, vốn đối ứng tăng từ 130 triệu EUR lên 218 triệu EUR.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng cho biết, hiện các nhà tài trợ bao gồm Cơ quan Kinh tế Pháp, AFD, EIB và ADB đã có cam kết về nguyên tắc bổ sung vốn ODA trị giá khoảng 328 triệu USD cho Dự án.

Trên thực tế, việc nới đai chi phí xây dựng công trình đường sắt đô thị thí điểm này đã được âm thầm tiến hành từ tháng 6/2013 khi tại Quyết định 4007/QĐ - UBND, TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư mới đúng bằng con số báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, với tổng mức đầu tư mới, suất đầu tư bình quân cho mỗi ki-lô-mét của Dự án vào khoảng 94 triệu EUR (tương đương 2.440 tỷ đồng). Gạt bỏ yếu tố công nghệ, nếu so với tuyến đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM, Bến Thành - Suối Tiên có cùng tỷ lệ đoạn đi ngầm/đi trên cao đang được triển khai, suất đầu tư tại Dự án Nhổn - ga Hà Nội là cao hơn hẳn.

Trước đó, trong văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tăng tổng mức đầu tư Dự án có cả nguyên nhân khách quan (chậm trễ về tiến độ triển khai dẫn tới biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, khối lượng công việc thay đổi so với thiết kế cơ sở) và các nguyên nhân chủ quan (năng lực quản lý, điều hành dự án của chủ đầu tư, năng lực tư vấn nước ngoài). “Tuy nhiên, địa phương chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm đối với nguyên nhân chủ quan làm tăng tổng mức đầu tư lên tới 1,5 lần so với ban đầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Ngoài khiếm khuyết kể trên, hồ sơ điều chỉnh dự án trọng điểm này cũng chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thay đổi quy mô, thay đổi thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Mặt khác, theo hồ sơ, tổng mức đầu tư do tư vấn Systra (Pháp) lập năm 2011, tỷ lệ trượt giá/lạm phát được áp dụng khoảng 15,7% đối với chi phí xây dựng dùng đồng nội tệ. Dự toán này là không hợp lý, bởi tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh năm 2013, mức lạm phạt thực tế tại Việt Nam chỉ ở khoảng 6%/năm.

Đây cũng chính là lý do khiến cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý vốn ODA đề nghị UBND TP. Hà Nội cần phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư Dự án để đảm bảo hiệu quả, khả thi, phù hợp với khả năng bố trí và trả nợ của Thành phố.

Quan ngại tiến độ

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Nhổn - ga Hà Nội là công trình tuyến metro có số phận khá lận đận dù được coi là tuyến thí điểm mở đường.

Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội làm chủ đầu tư có mục tiêu xây dựng 12,5 km đường sắt khổ đôi 1.435 mm, trong đó có 8,5 km đường đi trên cao, 4 km đi ngầm. Theo kế hoạch, công trình được thực hiện từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, thực tế là, tháng 12/2006, tuyến đường đã tổ chức khởi công lần đầu tiên tại Mai Dịch. Sau 4 năm, ngày 25/9/2010, Dự án đã được khởi công lần thứ 2 tại địa điểm sẽ xây dựng depot Nhổn - diện  tích 15 ha.

Trong khi đó, theo đánh giá của các bộ, ngành liên quan, tiến độ xây dựng công trình đang tồn tại những nút thắt lớn. Cụ thể, từ tháng 12/2007, tư vấn Systra đã được huy động vào công tác chuẩn bị Dự án, nhưng thực tế, công trình triển khai rất chậm. Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, thời hạn mới hoàn thành của Dự án là quý IV/2018.

Nếu căn cứ vào mốc khởi công công trình từ năm 2006, thì ngay cả khi về đích theo tiến độ điều chỉnh, tuyến metro này đã mất tới 12 năm để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác.

Được biết, trong các cuộc trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phía nhóm nhà tài trợ Pháp bày tỏ quan ngại về việc giải phóng mặt bằng chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ chung của Dự án.

“UBND TP. Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch triển khai từng gói thầu trong thời gian tới, bao gồm kế hoạch giải phóng mặt bằng, trong đó nêu rõ các biện pháp cần thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan, nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra, tránh gây các chậm trễ mới cho Dự án”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư