Tuyến metro 1 TPHCM: Đội vốn, nguy cơ vỡ kế hoạch về đích năm 2020

Cập nhật 29/09/2017 14:50

Khó giải quyết nguồn vốn đang bế tắc đang tạo ra nguy cơ tuyến metro 1 không thể về đích vào năm 2020 là hoàn toàn có thật.

Tại TP HCM, câu chuyện tuyến metro 1 bị đội vốn và đang rất khó khăn trong việc thực hiện các gói thầu, nhiều nhà thầu đã gửi thư đề nghị hoãn tiến độ.

Vì vậy, việc giải quyết vấn đề này vẫn đang tắc và nguy cơ tuyến metro 1 không thể về đích vào năm 2020 là chuyện có thật. Làm thế nào để có thể giải quyết bài toán nguồn vốn vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng có liên quan.


Nhiều hạng mục trên tuyến metro 1 đã dang dở kéo dài từ nhiều năm.

Bàn về vấn đề nguồn vốn để tiếp tục thực hiện tuyến metro 1, ngày 28/9, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết vẫn chưa có tiến triển gì. Trong khi nhu cầu vốn trong năm 2017 là 5.400 tỷ đồng, nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới giao 2.100 tỷ đồng (đáp ứng 36%) và đã giải ngân 99%. Còn vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cần 21.000 tỷ đồng mới dự kiến chỉ giao 7.500 tỷ đồng.

“TP HCM đã cho tạm ứng 500 tỷ đồng ngân sách để trả nợ nhà thầu thi công tuyến metro số 1 và Ban Quản lý dự án đã nhanh chóng chi hết số tiền này. Tuy nhiên, số tiền trên chỉ giải quyết vấn đề trước mắt và nguy cơ giãn tiến độ của metro là có thật khi mỗi tháng, số tiền ước lượng phải trả cho nhà thầu là từ 500 – 600 tỷ đồng”, ông Quang nêu rõ.

Ông Quang cũng cho biết, hiện nay Ban Quản lý đang cố gắng đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn chậm khiến tình hình hết sức căng thẳng. Ở một số gói thầu đã thể hiện việc giãn tiến độ là nhà thầu đã giảm nhân công, rút bớt máy móc…

“Mục tiêu của dự án đến năm 2020 là hết sức căng thẳng. Ban Quản lý đường sắt đô thị xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, dùng hết mọi khả năng có thể, nhưng nếu không giải quyết được bài toán nguồn vốn phân bổ từ nguồn vốn ODA từ Trung ương sẽ rất khó khăn để đảm bảo tiến độ”, ông Quang bày tỏ.

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng đây là dự án rất lớn, có ảnh hưởng không chỉ với giao thông thành phố mà còn cả nước. Trước đây, cả nước từng kỳ vọng đến năm 2017 sẽ có metro, sau đó chuyển qua 2020 và hiện lại có nguy cơ giãn tiến độ sẽ tạo ra nhiều bất lợi.

“Hiện Chính phủ đang rất khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn cho TP HCM. Tuy nhiên, TP HCM là thành phố trọng điểm kinh tế, sự phát triển của TP HCM có thể kéo cả nước nên Chính phủ phải xem xét cân đối vốn kịp tiến độ, giúp thành phố có thể hoàn thành tuyến metro theo kỳ vọng”, Giáo sư Nguyễn Trọng Hòa cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng của thành phố cho rằng, cần phải tìm mọi cách làm, tìm các nguồn vốn để làm cho dứt điểm dự án.

“Tìm ở đâu là cách của Nhà nước, Chính phủ và có thể là nguồn vốn xã hội hóa. Đây là cả 1 vấn đề rất lớn vì hệ thống giao thông công cộng đi đôi, đường kết nối với hệ thống, các đô thị phát triển hai bên… Metro đã làm thì phải cố gắng tìm vốn làm cho xong, không thể để treo”, TS. Võ Kim Cương nêu quan điểm.

Phân tích về vướng mắc giữa con số chi của Bộ Kế hoạch - Đầu tư với con số cần của TP HCM cho việc thực hiện tuyến metro số 1, TS. Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cho rằng, vì cả 2 bên đều đứng ở góc nhìn của mình nên chưa tìm được tiếng nói chung.

“Đã đến lúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ xử lý về vốn ODA và có văn bản chính thức. TP HCM cũng phải có văn bản chính thức nói rõ cần gì, thiếu gì, lộ trình sao…bày tỏ rõ quan điểm của thành phố khi đó mới thành công”, TS. Phạm Sanh lưu ý.

Trong bối cảnh tuyến metro số 1 đang gặp khó như hiện nay, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố nên tạm ngưng các tuyến metro khác và dồn toàn lực cho metro 1.

Ông Sơn cũng cho biết, nếu biến TP HCM thành đại công trường khổng lồ sẽ kéo chậm sự phát triển của thành phố. Cùng với việc phải làm metro 1 đúng tiến độ, thành phố còn phải quy hoạch lại mạng lưới xe buýt, hình thành các bãi xe dọc tuyến dự án…

“Metro đã làm tuyến nào xong tuyến đó. Tuyến dài quá có thể cắt thành nhiều giai đoạn, không nên để tình trạng công trình ngổn ngang”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói.

Tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ đưa giao thông TP HCM lên một nấc thang mới, hiện đại hơn, là xương sống để phát triển giao thông công cộng và giải bài toán ùn tắc giao thông. Quan trọng hơn, dự án còn là biểu tưởng của sự hợp tác quốc tế Việt Nam – Nhật Bản.

Chính vì thế, các bên có liên quan cần phải có tiếng nói chung, giải quyết khó khăn để về đích đúng kế hoạch, đáp ứng mong mỏi của người dân thành phố và cả nước.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV