Tương lai kiến trúc đô thị Việt Nam

Cập nhật 18/08/2011 09:40

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình đô thị hóa. Thực tế, việc mở rộng và phát triển không gian kiến trúc đô thị ở nhiều nơi đã bộc lộ những hạn chế vừa có tính truyền thống cố hữu, vừa mang thách thức của thời đại.


Một hướng đi đúng nhất nhằm làm nổi bật nền kiến trúc đô thị hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc là mong muốn của nhiều người, trước hết là những nhà chuyên môn. Với chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ 21”, Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á lần thứ 16 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam hi vọng sẽ là dịp để các nhà chuyên môn có thể tham khảo, học hỏi và tìm kiếm những bài học bổ ích, góp phần vào sự phát triển kiến trúc đô thị Việt Nam thời gian tới.

Theo thống kê, năm 2005, diện tích đô thị cả nước đã là hơn 325 nghìn ha, vượt quá 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị cho năm 2010. Bên cạnh đó, việc phát triển không gian kiến trúc đô thị thời gian qua diễn ra không như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà chuyên môn. Đó là hậu quả của sự phát triển quá nóng, quá nhanh mà nhiều đô thị nào ở châu Á cũng phải đối mặt.

Kiến trúc sư Phạm Khánh Toàn, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất theo tôi là đưa đô thị phát triển trong nề nếp.

Nhiều nhà chuyên môn từng đưa ra cảnh báo rằng, nếu không khắc phục những hạn chế trong quy hoạch hiện tại, chỉ vài chục năm nữa thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề như thiếu hụt tài nguyên và cơ sở hạ tầng, các vấn đề nhân sinh, giáo dục, không gian cảnh quan nông nghiệp bị thu hẹp và đánh mất bản sắc văn hóa cộng đồng…

Với chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ 21”, Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á lần thứ 16 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà chuyên môn của Việt Nam có cái nhìn thấu đáo hơn, sát thực hơn chiều hướng phát triển của đô thị Việt Nam trong thời gian tới trên nền tảng phát triển chung của đô thị châu Á thế kỷ 21.

Trong quá trình phát triển, kiến trúc đô thị Việt Nam chắc chắn sẽ hàm chứa cả yếu tố hiện đại và truyền thống. Nhưng, liệu trên nền tảng đó có giúp hình thành một bản sắc riêng phù hợp với văn hóa truyền thống người Việt trong bức tranh toàn cầu hóa? Đây là câu hỏi đã từng được đặt ra ở nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn, nhưng chưa thấy có một sự chuyển biến mang tầm phổ quát trên thực tế.

Rất có thể vấn đề này lại được đề cập tại Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á lần thứ 16, nhưng hiện thực hóa đến đâu lại là chuyện khác.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV