Báo ĐTTC ra ngày 6-3 có bài “Cẩn trọng với dự án khủng ở Củ Chi”, ghi nhận có hiện tượng các nhà đầu tư, đầu cơ, thậm chí giới “cò đất” tung hô các dự án khủng mặc dù đang còn trên giấy hòng đẩy giá đất lên cao. Tương tự, một số khu vực tại các huyện như Bình Chánh, Hóc Môn gần đây giới cò lại tung tin sắp thành lập quận mới Bình Châu trên cơ sở tách nhập một số xã của các huyện nói trên.
Đất chưa giấy tờ cũng tăng
Theo ghi nhận của ĐTTC, khoảng hơn 1 tháng nay tình trạng sốt đất ở các quận/huyện vùng ven diễn ra rất đáng lo ngại. Anh Nguyễn Văn C., ngụ xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, cho biết: “Trước Tết tôi tính mua một miếng đất ở gần nhà, chủ đất đòi 1 tỷ đồng nhưng chưa có giấy tờ nên tôi chưa mua. Vậy mà về quê ăn Tết xong, vào lại nghe nói chủ đất đã nâng giá lên 1,5 tỷ đồng và vẫn chưa có giấy tờ!”.
Tương tự, anh Trần Văn Đ., ngụ xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, cho biết cách nay 6 tháng anh có ý định mua một lô đất trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B, diện tích 4x16m. Khi đó, môi giới đòi giá 800 triệu đồng nhưng anh chê đắt không mua. Vừa rồi, anh hỏi lại mảnh đất đó đã lên giá 1,6 tỷ đồng!
Điều đáng nói là khu tái định cư này vẫn trong tình trạng dân cư thưa thớt, hàng trăm căn hộ chưa có người ở, nhưng đất sốt vẫn cứ sốt. Ở phía sau khu tái định cư này, có một số cò đất mua đất nguyên miếng và phân lô bán nền, giấy tờ tay với giá từ 500 triệu-1 tỷ đồng, vậy mà đắt như tôm tươi.
Bà Nguyễn Thị X., một môi giới nhà đất ở xã Phạm Văn Hai, cho biết từ sau Tết đến nay ngày nào cũng có người gọi bà đi chỉ đất. Ngày nào bà cũng đi từ sáng tới tối mịt mới về. “Ngày nào cũng có cả chục người gọi hỏi và yêu cầu dắt đi xem đất, có người xách cả giỏ tiền theo, nếu thấy miếng nào ưng ý lấy tiền ra đặt cọc ngay. Ngày nào tôi cũng môi giới bán được ít nhất vài ba miếng” - bà X. kể.
Thậm chí, bà X. cho biết có một mảnh đất ở Vĩnh Lộc, chỉ có giấy tờ tay nhưng trong 1 ngày sang tên đổi chủ tới 2 lần. Một người mua ban sáng, đến chiều thấy được giá đã sang tay để kiếm lời cả trăm triệu đồng. Bà cho biết có một lô đất ở xã Phạm Văn Hai trước Tết có giá 3,8 tỷ đồng, nhưng ra Tết chủ đất đã nâng giá lên 10 tỷ đồng và có người đã trả đến 9,5 tỷ đồng nhưng chủ đất vẫn chưa bán.
Chị Tô Thị N., ngụ đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, cho biết khu nhà chị ở mỗi ngày đều có từng đoàn người đi mua nhà đất, cứ như những đoàn khách đi du lịch vậy. Ngôi nhà chị đang ở cách đây không lâu chỉ có giá chừng 400 triệu đồng, nhưng nay đã được các tay môi giới “định giá” khoảng 1,1 tỷ đồng. Hầu hết nhà đất ở khu này đều chủ yếu mua bán giấy tay, pháp lý không rõ ràng. Và cũng chính vì mua bán giấy tay, nên những kẻ “lướt sóng đất” mới có thể mua và sang tay kiếm lời nhanh chóng.
Một khu vực khác cũng ghi nhận tình trạng sốt đất là xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Anh Nguyễn Như H. cho biết ngôi nhà đối diện nhà anh mới bán được 1 tuần với giá 1,6 tỷ đồng, nhưng nay đã có người đòi mua lại với giá 1,8 tỷ nhưng chủ nhà chưa chịu bán.
Điều đáng nói, căn nhà này cũng chỉ có giấy tờ tay, và nguyên khu vực đó nhà đất hầu hết đều chưa có giấy tờ hợp lệ. Bản thân anh H. cũng vừa mua 1 mảnh đất nằm trên đường Phạm Hùng giá 1,3 tỷ đồng, chưa đầy 1 tuần sau đã có người trả 1,6 tỷ đồng nhưng anh chưa bán. Mảnh đất này cũng chưa có giấy tờ hợp lệ và chưa được phép xây dựng.
Tương tự, giá đất tại một số xã thuộc huyện Hóc Môn cũng tăng khoảng 30% so với cách đây vài tháng. Anh Nam, giám đốc một doanh nghiệp đầu tư BĐS chuyên phân lô, chia sẻ ngoài lý do tin đồn thành lập quận mới còn có một số nguyên nhân khác khiến giá đất ngoại thành tăng cao là việc TP “siết” việc cho phép các dự án phân lô nên khan hiếm nguồn cung; Luật Đất đai 2013 cho phép một số trường hợp mua bán giấy tay trước 1-1-2008 được hợp thức hóa cũng khiến giá đất tăng cao.
Tin đồn huyện lên quận, người dân huyện Hóc Môn bắt đầu toan tính những mảnh ruộng của mình sẽ được phân lô đất nền để bán.
|