Những năm gần đây, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng cơ bản giao thông cũng trưởng thành vượt bậc qua mỗi dự án, công trình. Tuy nhiên, đáng buồn là lực lượng này, nhất là đội ngũ tư vấn, hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tư vấn: Vừa thiếu, vừa yếu...
Toàn ngành Tư vấn giao thông hiện có hơn 80 doanh nghiệp (DN) tư vấn với khoảng 6 nghìn lao động, trong đó kỹ sư chuyên ngành chiếm khoảng 60%, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Thực trạng này đã được Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức thẳng thắn chỉ rõ tại cuộc hội thảo “Củng cố, nâng cao năng lực tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông (XDGT)” mới diễn ra tại Hà Nội.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) Trương Tấn Viên, từ đầu năm 2000 đến nay, ngành đã, đang triển khai thực hiện 47 dự án ODA, 31 dự án trái phiếu Chính phủ (hơn 150 tiểu dự án), 67 dự án vay vốn tín dụng ưu đãi, 17 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, 50 dự án sử dụng vốn ngân sách… với số vốn đầu tư cực lớn.
Trong những năm tới, khối lượng dự án sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn như đường cao tốc Bắc-Nam, hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Với lực lượng hiện có, đây rõ ràng không phải tin vui với lực lượng tư vấn XDGT. Khả năng “thua trên sân nhà” là rất cao.
Không chỉ mỏng về lực lượng, chất lượng tư vấn cũng rất đáng báo động. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), khâu tư vấn còn nhiều sai sót từ khảo sát, điều tra đến thiết kế, lập dự án. Sai sót này là nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh khối lượng, tăng kinh phí, kéo dài thời gian thi công.
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức cho biết, hầu hết dự án đều phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần ngay từ khi mới lập báo cáo chuẩn bị đầu tư do việc lập dự án, quy hoạch luôn rơi vào tình trạng thiếu đồng bộ. Nhiều dự án mới hoàn thành đã lạc hậu, phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình khai thác, đặc biệt là về an toàn giao thông và phát triển bền vững.
Thậm chí, do không nắm chắc luật lệ, quy định về quản lý đầu tư, xây dựng nên có không ít vi phạm về thủ tục xây dựng cơ bản.
Chưa được quan tâm đúng mức
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, các DN tư vấn phải xây dựng định hướng chiến lược phát triển thay vì hoạt động một cách “ngẫu hứng”.
Đặc thù của DN tư vấn nói chung, tư vấn XDGT nói riêng là kinh doanh chất xám. Nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến sự thành công của DN. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ cán bộ có trình độ, giàu kinh nghiệm mỗi năm một hiếm.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long lý giải thực trạng đáng buồn này là do đội ngũ tư vấn, giám sát chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Hầu hết cán bộ kỹ thuật có năng lực đều được xem xét, cất nhắc chuyển sang công tác quản lý, dẫn tới việc thiếu hụt nhân tài trực tiếp làm kỹ thuật.
Những cán bộ tốt cũng nhăm nhăm kiếm “chiếc ghế” ổn định, an nhàn. Sở dĩ vậy là do người làm kỹ thuật chưa được đánh giá đúng mức. Được biết, ở những nước phát triển có chức danh tổng công trình sư tại những công trình lớn để trực tiếp có mặt chỉ đạo, quyết định giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật, không chịu ảnh hưởng của cán bộ quản lý. Tuy nhiên, ở nước ta, chủ nhiệm công trình lại chịu nhiều chi phối từ lãnh đạo DN, chủ đầu tư…
Sự thiếu quan tâm đến lĩnh vực tư vấn, giám sát còn thể hiện ở chính sách đãi ngộ, định mức chi phí cho dịch vụ tư vấn XDGT còn thấp, không phù hợp với thực tế. Tỷ lệ chi phí cho tư vấn tại các dự án ODA thường cao hơn dự án trong nước từ 6 đến hơn 10 lần.
Đáng tiếc, sự bất hợp lý này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân là định mức tư vấn XDGT không phải do Bộ GTVT (rất am hiểu về lĩnh vực này) ban hành. Định mức thấp dẫn đến tình trạng “tiền nào, của nấy”.
Đội ngũ giám sát công trường hầu hết là sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, hoặc những ông già đã về hưu. Như vậy, không thể đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt và dễ nảy sinh tiêu cực. Câu hỏi đặt ra là tại sao DN tư vấn không tham các dự án ODA?
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (DN lớn nhất cả nước trong lĩnh vực này) Phạm Hữu Sơn cho biết, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty vẫn là DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên không được tham gia các dự án ODA của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Khó khăn về kinh tế khiến tình trạng “chảy máu chất xám” có chiều hướng tăng. Rõ ràng, nếu không có sự quan tâm thích đáng đến lĩnh vực quan trọng này, ngành tư vấn, giám sát của Việt Nam sẽ “thua trên sân nhà”. Lo ngại hơn nữa là chất lượng các công trình liệu có được bảo đảm?
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới