Từ ngày 1-5: Hết cảnh phập phồng góp vốn mua nhà

Cập nhật 04/03/2009 08:30

Nếu tái phạm về huy động vốn, chủ đầu tư dự án nhà ở có thể phải ngừng kinh doanh nhà ở vĩnh viễn.

Từ ngày 1-5, Nghị định 23 về phạt hành chính trong xây dựng và kinh doanh bất động sản mới được Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực, ngăn chặn các chủ đầu tư dự án nhà ở vi phạm về huy động vốn, người mua nhà sẽ được an toàn hơn. Trước đây, chủ đầu tư bị cấm bán nhà trên giấy trong khi chưa làm xong phần móng nhưng không có biện pháp chế tài nên không ít chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm, phớt lờ quyền lợi chính đáng của người mua nhà.

Mòn mỏi chờ giao nhà

“Thời gian qua, nhà nước đã không kiểm soát được việc huy động vốn của chủ đầu tư dự án bất động sản. Rất nhiều chủ đầu tư đã lạm dụng việc huy động vốn trước, sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư dàn trải vào dự án khác để thu lợi nhuận cao. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho người mua nhà” - ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận xét.

Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư các dự án nhà ở chỉ được huy động vốn từ người có nhu cầu mua nhà khi đã xây xong phần móng nhà. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng. “Thế nhưng một số chủ đầu tư vẫn lách luật, huy động vốn bằng hình thức vay vốn hoặc góp vốn kèm theo điều kiện được mua căn hộ trong tương lai” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận.

Theo bà Vũ Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhiều trường hợp khi huy động vốn, chủ đầu tư hứa sau một năm là có nhà nhưng thực tế thì sau hai năm, người góp vốn vẫn chưa thấy nhà đâu. Người góp vốn mua nhà bị thiệt thòi, tiền nằm một chỗ nhưng không được hưởng lãi, nhà chậm giao, đòi lại tiền ở chủ đầu tư rất khó.

Tái phạm về huy động vốn: Phải ngừng kinh doanh


Theo Nghị định 23, cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ bị xử phạt nặng (xem bảng). Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức đó còn bị buộc phải thực hiện đúng quy định về huy động vốn, chuyển nhượng dự án, thủ tục bán, cho thuê, cho thuê mua, xác nhận bất động sản qua sàn giao dịch...

Đặc biệt, đối với cá nhân, tổ chức tái phạm trong huy động vốn đầu tư dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới; bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản tại sàn không đúng trình tự, thủ tục thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ một đến ba năm hoặc không thời hạn. Đây là hình thức phạt bổ sung nặng hơn nhiều so với hình thức chính là phạt tiền vài chục triệu đồng.


(Trích Nghị định 23/2009/NĐ-CP)

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP