Đăng ký bất động sản xong rồi thì mua bán, cầm cố, thế chấp..., chủ sở hữu chỉ cần qua một đầu mối làm thủ tục.
Hôm qua (28-5), vấn đề sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở để thống nhất một giấy chứng nhận cho cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được Chính phủ trình Quốc hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo thẩm tra, cơ bản tán thành sửa đổi này.
Tuy nhiên, vấn đề đăng ký đất, tài sản trên đất vào một giấy liên quan mật thiết tới dự án Luật Đăng ký bất động sản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trả lời Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết:
Những gì tinh túy nhất của dự án Luật Đăng ký bất động sản đã được lọc ra, đưa vào dự luật trình Quốc hội để xử lý chuyện một giấy. Còn trình tự, thủ tục cấp chứng nhận cũng như đăng ký biến động tài sản, Chính phủ sẽ giải quyết được ngay, miễn là được Quốc hội chấp nhận như đề xuất: một giấy và một đầu mối.
Một đầu mối đăng ký bất động sản
* Nhưng trong Ủy ban Pháp luật có lo ngại rằng quá nhiều loại tài sản trên đất mà ngay một lúc giao cho một đầu mối là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chứng nhận thì sẽ rất phức tạp, khó khăn…
+ Đã liên quan đến bất động sản thì càng phải một đầu mối. Các nước cũng tập trung một đầu mối đăng ký đấy thôi.
Như dự thảo, cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và huyện thông qua đầu mối văn phòng đăng ký bất động sản. Trước mắt thì như vậy nhưng lâu dài Văn phòng Đăng ký bất động sản các quận, huyện, tỉnh phải tập trung thành hệ thống dọc. Tùy nhu cầu trong dân mà có thể một hoặc vài huyện có một văn phòng. Các văn phòng đó liên kết, trao đổi thông tin chặt chẽ với trung tâm dữ liệu bất động sản ở trung ương để tích hợp tất cả thông tin về bất động sản được đăng ký trên cả nước. Đến lúc ấy, tình trạng pháp lý của bất cứ mảnh đất nào, bất động sản nào đều phải được công khai và chính xác để bất cứ cơ quan quản lý hay người dân quan tâm cũng có thể biết được.
* Trên địa bàn có thể có cả những công trình lớn do trung ương quản lý, rồi có yếu tố nước ngoài mà để văn phòng cấp huyện làm đầu mối đăng ký sở hữu, liệu có quá sức?
+ Thực ra, trên địa bàn mình quản lý thì mới nắm bắt được thông tin về tài sản đó. Đất do ai cấp, tài sản trên đó do cơ quan nào cấp phép để xây dựng, hình thành... không quan trọng. Đăng ký bất động sản ở đây chỉ là đăng ký tình trạng pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý cũng như cho hoạt động giao dịch của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất cũng như những đối tượng khác có liên quan.
1-8 có thể có một giấy ngay
* Vấn đề gây tranh cãi lâu nay là quyền sở hữu với tài sản trên đất đó hình thành ngay khi tài sản được tạo lập hay phải chờ đến khi được đăng ký sở hữu mới phát sinh. Nay thực hiện cơ chế một giấy, xử lý vấn đề này thế nào?
+ Hai chuyện khác nhau. Đăng ký chẳng qua là để có bằng chứng pháp lý để được bảo hộ mạnh mẽ hơn với chủ tài sản đó. Ví dụ, tôi có nhà rồi thì dù đăng ký hay không, tài sản đó vẫn thuộc sở hữu của tôi. Nhưng mang đi giao dịch, trừ khi đối tác là quen biết, tin tưởng nhau thì có đăng ký sở hữu vẫn thuận lợi hơn. Như vậy, đăng ký không làm xác lập quyền sở hữu mà chỉ để chứng thực về mặt pháp lý quyền dân sự đó.
* Dự luật Chính phủ trình Quốc hội mới chỉ giải quyết vấn đề nguyên tắc nhất là một giấy, một cửa. Vậy nếu được thông qua, Chính phủ sẽ phải tiến hành những công việc nào nữa để việc đăng ký quyền sử dụng nhà và quyền sở hữu tài sản trên đất đi vào cuộc sống?
+ Chính phủ đề nghị 1-8 sửa đổi này có hiệu lực. Để triển khai trên thực tế, Chính phủ sẽ phải ban hành nghị định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất cũng như đăng ký biến động. Vấn đề này đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ trong dự án Luật Đăng ký bất động sản, giờ chuyển thành nghị định chắc không khó. Mẫu sổ hợp nhất thì Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt tay xây dựng rồi. Hoàn toàn có thể triển khai đúng hạn được.
Mọi biến động chỉ qua một đầu mối
* Ông có thể cho biết xử lý kỹ thuật về trình tự thủ tục cấp một giấy sẽ thế nào?
+ Sổ chứng nhận đó vẫn dựa trên nền thông tin về thửa đất. Trên đó anh xây nhà thì phải làm thủ tục xin phép ngành xây dựng. Công trình hoàn công, được nghiệm thu thì anh mang hồ sơ đó đến Văn phòng Đăng ký bất động sản và sẽ được ghi nhận quyền sở hữu tài sản đó vào hồ sơ. Người dân sẽ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định về ngôi nhà. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, cần tìm hiểu gì thêm, văn phòng sẽ tự trao đổi với cơ quan quản lý về xây dựng. Đăng ký xong rồi, mua bán, chuyển nhượng hay cầm cố, thế chấp tài sản đó, chủ sở hữu chỉ cần đến văn phòng làm thủ tục.
* Câu chuyện sổ đỏ, sổ hồng, rồi sổ xanh tranh cãi mấy năm nay giờ mới hợp nhất được. Nhiều ý kiến cho rằng chẳng qua vì va chạm lợi ích bộ, ngành. Vậy dự luật như Chính phủ trình liệu hóa giải được hết xung đột lợi ích đó?
+ Tôi không nghĩ lợi ích cục bộ dẫn tới nhiều giấy. Vấn đề là quá trình lập pháp vừa qua, chúng ta đã không nhìn được toàn diện nên ban hành Luật Đất đai thì sinh ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm Luật Nhà ở thì thêm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà dẫn tới phát sinh phức tạp cho dân.
Khắc phục một giấy thì Chính phủ đã rất tích cực, thậm chí xung phong đẩy nhanh tiến độ dự án Luật Đăng ký bất động sản sớm một năm, 2008 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi. Nhưng nhận thức chưa giống nhau nên không được đưa ra Quốc hội. Chứ nếu thống nhất được thì nghị quyết của Quốc hội về một giấy năm 2007 đã có thể thực thi sớm hơn nhiều rồi chứ không phải đợi tới hôm nay.
* Xin cảm ơn ông.