Từ một dự án “bình mới, rượu cũ” ở Cần Thơ: Hàng trăm hộ dân không biết đi đâu

Cập nhật 10/10/2013 14:36

Một dự án (DA) được triển khai khiến hàng trăm hộ dân ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) bỗng rơi vào cảnh... không biết đi đâu vì bị cho là đang sống trên “đất công”. Lạ lùng hơn, DA này bất ngờ được đổi tên, nhưng chỉ “bình mới”, còn “rượu vẫn cũ”...


DA Khu đô thị thương mại thị trấn Cờ Đỏ được UBND TP.Cần Thơ thuận quy hoạch vào năm 2011 trên diện tích 15,48ha, do Cty CP đầu tư Cadif làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 305,089 tỉ đồng. Có 6 tổ chức và 565 hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA, nhưng chỉ có 140 hộ đủ tiêu chuẩn tái định cư (TĐC) và xét mua nền TĐC; còn lại 425 hộ bị “lọt sổ”với lý do: Đang sống trên “đất công”. Ông Đào Hồng Quyển (59 tuổi) bức xúc: “Tôi là bộ đội xuất ngũ về đây năm 1978, chỉ có miếng đất hơn 1.000m2. Dạo trước, tôi bán một phần đất cho ông H (hiện là cán bộ huyện). Lạ lùng là ông ấy làm được “sổ đỏ”, còn tôi đi làm “sổ đỏ” thì không được chấp nhận”. Còn ông Nguyễn Quốc Ngân - Bí thư chi bộ ấp Thới Thuận, Chủ nhiệm HTX vận tải xe khách liên tỉnh - cho biết, gia đình ông có 3.130m2 đất, trên đất bao gồm 1 bến xe khách chạy liên tỉnh, 1 nhà hàng, 1 quán càphê, 1 dãy mấy chục phòng trọ, khuôn viên đầy kiểng... Ông phải mất nhiều năm với gần 12 tỉ đồng đầu tư mới có được cơ ngơi này, nhưng theo tính toán chỉ được hỗ trợ, bồi thường hơn 5 tỉ đồng.

Theo trình bày của người dân, từ sau giải phóng, phần lớn diện tích đất hiện tại “dính” vào DA là do bà con khai hoang, cải tạo...; từ đó hình thành khu dân sinh của hàng trăm hộ dân. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương không công nhận quyền lợi hợp pháp về đất ở theo quy định pháp luật về đất đai, dẫn tới chuyện nhiều hộ dù sống ổn định mấy chục năm nay vẫn bị cho là sống trên đất công. Trong khi thực tế chính quyền chưa có quyết định công bố hoặc cắm mốc để quản lý, ngăn cấm người dân cất nhà trên khu đất này...

Bức xúc của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng, thì bất ngờ DA được đổi tên từ “Khu đô thị thương mại” thành DA “Chỉnh trang và cải tạo môi trường sống”, nhưng các nội dung khác liên quan đến DA vẫn không thay đổi. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Cty Cadif - giải thích: “Ban đầu chúng tôi dự tính vay thương mại, nhưng do lãi suất cao nên sau đó phải đổi tên DA để tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB)” (?). Tuy nhiên, theo tài liệu mà PV có được, từ đầu năm 2012, khi có quyết định ký phê duyệt DA này, Cty Cadif đã thể hiện rõ dự tính vay WB gần 94 tỉ đồng (?!).

Một nguồn tin cho biết, hơn 400 hộ dân sẽ được bố trí vào ở khu dân cư Bãi Bùn (xã Thới Xuân). Tuy nhiên, DA xây dựng khu dân cư này chỉ... phát sinh sau này và hiện chỉ mới ở giai đoạn “xin chủ trương của thành phố”.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động