Từ chuyện 700 căn biệt thự bỏ hoang

Cập nhật 25/04/2011 08:15

Tuần rồi nhiều báo đồng loạt đưa tin vụ gần 700 biệt thự bỏ hoang tại Hà Nội. Đây quả là chuyện gây sự chú ý cho nhiều người khi giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” này lại có mấy trăm căn nhà, trị giá mỗi căn hơn chục tỷ đồng xây dựng dở dang “nằm chơi xơi nước” năm này qua tháng nọ.

Cả dãy biệt thự tại khu đô thị Việt Hưng dù đã xây xong phần thô từ 3-4 năm nay nhưng vẫn bỏ hoang - Ảnh: CTV 

Vụ việc được thực hiện sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Chỉ sau hai tuần kiểm tra rà soát đã có kết luận như trên. Nguyên nhân do hầu hết chủ sở hữu của các căn biệt thự trên là các nhà đầu cơ tích trữ bất động sản vì vậy không có nhu cầu sử dụng.

Bỏ hoang hàng chục ngàn tỷ đồng

Chuyện biệt thự bỏ hoang ở tại Hà Nội thực ra không phải là chuyện mới và báo chí đã nhiều lần đề cập. Nhưng việc phát hiện 698 căn (chiếm tỷ lệ gần 35%) biệt thự chưa sử dụng, trong số 2,684 căn biệt thự tại 16 dự án được Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) kiểm tra là vấn đề cần bàn.

Rõ ràng việc hàng loạt biệt thự xây dựng dở dang, bỏ hoang tại các khu đô thị mới không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, trở thành nơi tụ tập của những kẻ trộm cắp, nghiện hút… mà còn là sự lãng phí của xã hội. Chỉ tính giá mỗi m2 biệt thự (xây thô) với giá trung bình 100 triệu đồng, thì tổng giá trị của các căn biệt thự trên đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Một số vốn lớn như vậy đã nằm “chết” trong nhà, đất từ nhiều năm qua, thay vì sinh lợi rất lớn cho chính chủ nhân của chúng, cho xã hội.

Và đó cũng chỉ là con số của riêng 16 dự án nhà ở tại Hà Nội. Thực tế còn bao nhiêu căn hộ, nhà phố, nhà biệt thự bỏ hoang tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành trên cả nước thì cơ quan chức năng chưa thể thống kê được. Hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn lần con số này? Một sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

Xem lại việc đầu tư

Có đi qua những “khu phố không đèn”, những “khu đô thị chết” này vào ban đêm mới hình dung được sự hoang vắng của các khu đô thị trong khi người nghèo phải tranh nhau từng suất mua nhà ở thu nhập thấp, nhà tái định cư... Rõ ràng ở đây còn có sự bất cập trong đầu tư, cũng như trong công tác quy hoạch, định hướng quy hoạch…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đa số những biệt thự đã hoàn thành việc xây thô nhưng chưa đưa vào sử dụng đều đã có chủ. Vì thế trước mắt, chỉ có thể yêu cầu chủ đầu tư các dự án sớm có thông báo tới chủ sở hữu yêu cầu hoàn thiện toàn bộ ngôi nhà để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trong một diễn tiến mới nhất, thông tin từ bộ Tài chính ngày 21/4 cho biết, các cục, vụ liên quan của bộ này đang được giao nghiên cứu để làm tờ trình đề xuất Chính phủ việc thu thuế đối với các chủ đầu tư có biệt thự bỏ hoang. Thực tế, hiện nay chưa có tiền lệ quy định về thu thuế với các biệt thự, chung cư bỏ hoang nên trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó là Chính phủ để ban hành nghị định về vấn đề này. Do vậy việc thu thuế đối với các biệt thự ra sao cần phải có thêm thời gian, chưa thể áp dụng ngay được.

Để hạn chế tình trạng trên, lãnh đạo Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong thời gian tới các chủ đầu tư cũng nên quan tâm đến việc đầu tư tại các dự án, phân bổ các phân khúc nhà: chung cư, biệt thự… cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Ví dụ giảm biệt thự, tăng chung cư, tùy vị trí mà áp dụng phù hợp với yêu cầu của xã hội, nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có những quy định chế tài những trường hợp bỏ hoang, gây lãng phí đất đô thị thông qua việc đánh thuế. Bỏ hoang diện tích càng lớn, càng phải nộp thuế cao, như các nước đang áp dụng. Trước mắt, nếu chưa có ngay các quy định này có thể tham khảo cách làm của Đà Nẵng: xử phạt chủ đất vì để đất hoang, gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng để việc chống lãng phí (từ việc đầu cơ đất đai) có hiệu quả, cần sự đồng thuận của tất cả các cơ quan ban ngành, các địa phương và triển khai thực hiện trên cả nước. Và nếu chỉ Đà Nẵng, Hà Nội… thôi sẽ chưa đủ, vì người mua có thể đầu cơ đất ở những địa phương khác, rồi lại tiếp tục xảy ra chuyện lãng phí đất đai.

Dã Thảo - N.Khánh - DiaOcOnline.vn