TS Phạm Sỹ Liêm: Cứu bất động sản, không được quá nôn nóng

Cập nhật 07/03/2013 13:34

Để cứu thị trường bất động sản (BĐS), cả Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã cùng vào cuộc để tìm ra những "phương thuốc đặc trị”. Nhiều giải pháp đã được đưa ra song đến nay, vẫn chưa có biểu hiện gì cho thấy thị trường sẽ sớm ấm trở lại. TS Phạm Sỹ Liêm – Tổng Thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh nội dung này.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, thực trạng hiện nay của thị trường BĐS là suy thoái, đình trệ, số DN BĐS ngừng hoạt động là vô cùng lớn. Tồn kho BĐS lên đến hàng vạn căn nhà, hàng triệu mét vuông đất nền. Năm 2012, mặc dù một số DN đã chủ động giảm giá bán căn hộ, thậm chí bán lỗ, có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình thị trường. Nguyên nhân cốt lõi ở đây vẫn là vì giá.

* Thưa ông, trước tình hình khó khăn đó, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành liên quan đã ráo riết vào cuộc với mục đích tìm ra những giải pháp nhằm phá băng thị trường BĐS. Trong đó phải kể đến một số giải pháp rất được kỳ vọng như Nghị quyết 02 của Chính phủ. Tuy nhiên, đã qua hai tháng  kể từ khi NQ 02 ra đời, đến nay tình hình vẫn không có gì tiến triển?

TS. PHẠM SỸ LIÊM: NQ 02 nếu triển khai kịp thời, sẽ là cứu cánh quan trọng tháo gỡ nút thắt của thị trường này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là chính sách. Còn từ chính sách đến thực tiễn là cả một vấn đề. Lâu nay, ở ta, bất cứ chính sách nào cũng vậy, từ khi ban hành cho đến khi thực hiện được là một khoảng cách… xa lắm. Do vậy, mới dẫn đến thực trạng nhiều người dân, DN e ngại vì chính sách có độ trễ quá lớn. Chúng ta có Ban chỉ đạo Nhà ở và Thị trường BĐS, trụ sở đóng ở Bộ Xây dựng và ban này có Trưởng ban là một Phó Thủ tướng. Vậy, Ban phải chỉ đạo ráo riết và có chương trình hành động cụ thể, giao việc cụ thể cho từng người thì NQ 02 mới sớm đi vào thực tiễn được.

* Một giải pháp nữa cần phải kể đến đó là đề xuất của Bộ Xây dựng về việc chuyển đổi dự án chung cư cao cấp sang nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp hoặc xé lẻ các căn hộ chung cư nhằm hạ giá thành. Quan điểm của ông về nội dung này?

Đúng là nghe thì hay, nhưng chúng ta lại phải nói đến tính thực tiễn. Làm mà không có sự khảo sát kỹ thị trường, không có sự điều tra cụ thể thì lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết. Ừ thì chia nhỏ, nhưng vấn đề là căn hộ đó nằm ở đâu? Có tiện ích hay không thì mới thu hút được người mua. Chứ nếu cứ bạ đâu cũng chia nhỏ, dự án nào cũng chuyển đổi mà không cần tính đến tính tiện ích của nó, không cần biết nhu cầu người dân ra sao thì lại gây ra lãng phí.

Tối lấy ví dụ, một căn hộ chung cư xây ở một nơi mà xung quanh không có trường học, không có y tế, không có đô thị... vậy bán cho ai? Bản thân người mua, ở đây chủ yếu tôi muốn nhấn đến những người có thu nhập thấp, họ phải biết xem ở nơi đó họ sống thế nào, có thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày hay không, có thể tính kế sinh nhai hay không thì họ mới lựa chọn. Đó là những cái rất thiết thực cần phải tính đến. Chuyển đổi, hay xé lẻ… đều phải tính đến tư duy thị trường, nếu không, cứ nghe được hỗ trợ, cứ nghe có lợi trước mắt mà làm không cần biết hậu quả ra sao… thì không thể làm kinh tế.

* Vừa rồi, dư luận xôn xao vì đề xuất của vị Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh với việc đánh thuế tiền tiết kiệm. Nhiều ý kiến cho đó là tối kiến chứ không phải sáng kiến. Thậm chí có người còn nói, đề xuất như vậy là thiếu nhân đạo. Ý kiến của ông về vấn đề này? Và ý kiến của ông về giải pháp cho thị trường bất động sản hiện nay?

Tôi cho rằng, đề xuất đó của vị Chủ tịch HoREA cũng chỉ xuất phát từ sự sốt sắng muốn giải cứu được thị trường này, bởi dù thế nào, nếu ngành BĐS được vực dậy sẽ kéo được nhiều ngành khác sống dậy theo. Tuy nhiên, giải pháp đó cho thấy ông này chưa cân nhắc kỹ.

Thời điểm này, chúng ta nên tìm cách đưa những căn nhà giá rẻ ra thị trường, những căn nhà đó mọi đối tượng đều có thể mua được, chứ không phân biệt nhà thu nhập thấp hay nhà ở xã hội.

Thời điểm này, giải pháp cấp bách nhất, theo tôi là cần nhanh chóng cho ra đời Quỹ tín thác đầu tư BĐS (gọi đơn giản là Quỹ đầu tư BĐS). Quỹ này sẽ thu hút tiền gửi của khách hàng từ việc mua cổ phiếu. Tiền bán cổ phiếu chỉ dành để đầu tư cho lĩnh vực BĐS như cho vay mua nhà, hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư BĐS… Ở châu Á, nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore… đã phát triển quỹ này và đều đã thành công trong việc giúp cho thị trường BĐS luôn trụ vững và phát triển ổn định.

Tuy nhiên, vẫn cần phải  khẳng định một điều rằng, mọi giải pháp ở thời điểm này đều không thể nôn nóng, nó sẽ chỉ giúp xoa dịu những "vết thương” mà thị trường BĐS đang mang trên mình chứ chưa thể chữa lành hẳn. Chúng ta vẫn cần phải có thêm thời gian.

Trân trọng cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết