T.S Lê Xuân Nghĩa: Bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn

Cập nhật 01/04/2015 08:36

Dòng vốn từ ngân hàng, FDI, kiều hối,...đang chảy mạnh vào BĐS, khiến đây là lĩnh vực tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn.

 Ông Lê Xuân Nghĩa

Thị trường bất động sản đang có những chuyển biến mới sau một loạt những chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ trong giai đoạn 2013-2014. Đến nay, thị trường đã đi vào ổn định và có xu hướng phục hồi trở lại.

Ngân hàng mạnh tay hơn trong việc cho vay, không những nhắm vào người mua nhà mà còn cung ứng vốn cho nhiều dự án đang tái khởi động trở lại. Thanh khoản thị trường đầu năm 2015 khá cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đã có khoảng 8.200 giao dịch thành công trên thị trường tại 2 thành phố lớn.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của thị trường BĐS Việt Nam do Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức vào cuối tuần vừa qua, T.S Lê Xuân Nghĩa-chuyên gia lĩnh vực tài chính đã có những phân tích, đánh giá về tác động của kinh tế vĩ mô tới thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Nhận định về thị trường tài chính, T.S Lê Xuân Nghĩa cho rằng các lãi suất điều hành của NHNN gần như không thay đổi so với cuối 2014. Lãi suất huy động hạ xuống mức thấp kỷ lục với kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 4%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng khoảng 6,2%, tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Với mặt bằng lãi suất này, có thể dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng “chảy” vào bất động sản. Và đây cũng chính là yếu tố khiến thanh khoản thị trường BĐS đạt mức khá cao trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, lãi vay hiện nay cũng dễ thở hơn rất nhiều cho cả cá nhân mua nhà tới doanh nghiệp. Mức phổ biến cho ngắn hạn khoảng 7% -9%/năm, trung và dài hạn khoảng 9,5% đến 11%. Các ngân hàng liên tục tung ra các chương trình cho vay ưu đãi nhắm vào người mua nhà. Do vậy, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay đạt 0,68% mức cao hơn nhiều cùng kỳ các năm gần đây.

Ngoài ra, theo T.S Lê Xuân Nghĩa thị trường bất động sản còn được hỗ trợ bởi nhiều dòng vốn khác, và cũng đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2015 vốn FDI đổ vào BĐS đứng thứ 2 trong các lĩnh vực có vốn FDI, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD (Năm 2014 vốn FDI vào bất động sản đạt 2,54 tỷ USD tăng gần 3 lần so với năm 2013).

Kiều hối hàng năm về Việt Nam luôn tăng trưởng, năm 2014 đạt 12 tỷ USD và triển vọng tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2015, trong đó lĩnh vực bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn.

Cũng theo T.S Lê Xuân Nghĩa, ngoài việc bất động sản đang thu hút được các dòng vốn trên thị trường tài chính, thì trong năm 2015 bất động sản còn có sự tác động từ một số chính sách mới quan trọng. Đó là Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015, trong đó giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản xuống còn 150% từ mức 250%; Gói 30.000 tỷ sẽ tiếp tục được giải ngân; Hàng loạt những chính sách mới hỗ trợ như cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản, dự kiến sẽ có gói 50.000 tỷ cho nhà ở thương mại,…Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh tư nhân hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, các hiệp định FTA song phương, đa phương, TPP đã và sắp ký kết.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện nay mới chỉ có những tín hiệu khởi sắc ở phân khúc nhà ở với lượng giao dịch thành công tăng, tồn kho giảm mạnh. Theo Bộ Xây dựng thì tính đến tháng 3/2015 tồn kho BĐS giảm gần 58 nghìn tỷ, còn hơn 77 nghìn tỷ. Thị trường văn phòng và bán lẻ lượng cung vẫn tiếp tục tăng, giá thuê giảm.

Năm 2015, mặc dù thị trường bất động sản được các chuyên gia trong ngành kỳ vọng sẽ phát triển tốt, là cơ hội đầu tư nhưng vẫn còn tiếm ẩn nhiều vấn đề rủi ro. Theo T.S Lê Xuân Nghĩa việc chậm xử lý nợ xấu, lãi suất thị trường có thể thiết lập mặt bằng mới cao hơn vào cuối năm là 2 nhân tố rủi ro của thị trường BĐS năm 2015.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet