Tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc, xu hướng tiêu dùng thay đổi đang là thách thức lớn cho các trung tâm thương mại. Thực tế cho thấy nhiều trung tâm thương mại trên cả nước đang rơi vào tình cảnh ế ẩm
Mấy ngày qua, UBND quận Tân Bình, TP HCM công bố kế hoạch giải tỏa chợ Tân Bình hiện hữu để xây trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ đa năng quy mô 17 tầng phía trước mặt tiền đường Lý Thường Kiệt và chợ truyền thống Tân Bình quy mô 6 tầng ở phía sau đang tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều câu hỏi xoay quanh việc nên hay không nên xây thêm TTTM trong giai đoạn nhiều trung tâm hiện hữu đang ế ẩm.
Vắng như… viện bảo tàng
Ngày cuối tuần, lượng khách ra vô Parkson Hùng Vương (quận 5, TP HCM) khá vắng vẻ. Đa số khách bấm thang máy lên tầng 3 (khu ăn uống) và tầng 7 (khu rạp phim). Vài tốp bạn trẻ trong thời gian chờ đến giờ xem phim rủ nhau lang thang ở khu vực mua sắm để giết thời gian. Thỉnh thoảng, vài vị khách ghé vào các gian hàng quần áo, mỹ phẩm xem hàng, dùng thử rồi… bỏ đi. Vắng quá, nhân viên bán hàng người thì lướt net, người chơi điện tử, có người còn tranh thủ soi gương nhổ tóc sâu, nặn mụn…
Tại Diamond, Saigon Center, Saigon Paragon, Crescent Mall…, tình hình cũng không khá hơn; nhiều thời điểm, nhân viên bán hàng đông hơn khách.
Cảnh ế ẩm ở một trung tâm thương mại nằm tại trung tâm TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Đây không phải là hiện tượng lạ tại các TTTM ở TP HCM mà đã kéo dài ít nhất 2 năm nay. Năm 2013, nhiều DN, cá nhân đã “tháo chạy” khỏi TTTM vì thua lỗ, nhiều thương hiệu lớn cũng phải rút lui. Một số trung tâm mua sắm lớn như Thiên Sơn Plaza, Premium Outlet… phải đóng cửa.
Năm 2014, tình hình được đánh giá là có ấm lên nhưng vẫn không thoát khỏi đà suy giảm kéo dài. Đỉnh điểm là đợt nghỉ lễ 2-9 vừa rồi, mặc dù các TTTM giảm giá, khuyến mãi với mức giảm sâu nhưng vẫn không thu hút được khách.
Khách xem, thử, chụp hình là chính, họa hoằn lắm mới có người mua. Một số chuyên gia kinh tế ví von các TTTM lúc nào cũng đèn đuốc sáng trưng, trang hoàng rực rỡ nhưng vắng như… viện bảo tàng.
Theo các doanh ngiệp bất động sản, kinh tế khó khăn đã đẩy các TTTM vào cảnh ế ẩm, đìu hiu nhiều năm qua. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, tình trạng “chợ chiều” tại các TTTM ngày càng thê thảm. Nhiều chung cư xây TTTM theo quy hoạch mà không theo nhu cầu thực của thị trường nên đã thất bại, trở thành gánh nặng của nhà đầu tư.
Nhiều TTTM ở các chung cư như The Vista (quận 2), TTTM trong khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh), khu Panorama ở Phú Mỹ Hưng (quận 7)… đang ế chỏng chơ.
“Dát vàng” cũng… “chết”
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết tính đến năm 2012 trên địa bàn có 110 siêu thị và 20 TTTM. Trong đó có 13 siêu thị hạng nhất, 26 siêu thị hạng hai, 48 siêu thị hạng ba. Riêng giai đoạn 2012 - 2014 đã có 8 TTTM được đưa vào hoạt động với kinh phí đầu tư hơn 42.000 tỉ đồng; 25 siêu thị khai trương đưa vào hoạt động như Ocean Mart, Lotte Mart… bước đầu khẳng định sự phát triển loại hình thương mại hiện đại trên địa bàn thủ đô.
Tuy nhiên trên thực tế, ngoại trừ một số siêu thị lớn như Big C, Metro và các hệ thống siêu thị phục vụ tiêu dùng gia đình như Ocean Mart, Uni Mart, Fivimart… còn giữ được lượng khách hàng ổn định, các TTTM còn lại đều rơi vào cảnh “chợ chiều”.
Tại TTTM Parkson (phố Thái Hà), ngay cả các tối cuối tuần cũng đón lượng khách ra vào thưa thớt. Chưa kể nhiều khách hàng tới Parkson chủ yếu để tham quan, xem hàng… chứ không hề mua dù các chương trình giảm giá, khuyến mãi diễn ra thường xuyên. Nhân viên các quầy hàng nhãn hiệu Adidas, Dior…, các gian hàng trang sức, đồng hồ rất rảnh rỗi để lướt net, chơi game vì vắng khách.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các TTTM như Tràng Tiền, The Garden… khi hầu hết gian hàng đông khách chỉ là gian hàng bán đồ ăn nhanh.
Thậm chí, TTTM “dát vàng” sang trọng là Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng) đã khai trương 4 năm nay nhưng sau nhiều lần đóng cửa để “tái cấu trúc” thì đã chính thức “khai tử” vào năm 2013 và chưa mở cửa trở lại.
“Sai lầm của TTTM này là đặt ở vị trí cửa ngõ giáp ranh với ngoại thành, cách xa nội đô trong khi lại xác định phục vụ khách hàng phân khúc cao cấp” - chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét.
Pico Plaza (đường Tây Sơn) sau thời gian dài ế ẩm, nay đã rơi vào tay tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết đây là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, Lotte Mart cũng nên cẩn trọng trước bài học TTTM hạng sang tại Hà Nội đã rơi vào tình trạng ế ẩm và “ngủ đông” kéo dài do kinh tế khó khăn.
“Do TP Hà Nội có chủ trương phát triển mạnh hệ thống siêu thị, TTTM nên chắc chắn cuộc chiến tranh giành khách hàng sẽ vô cùng khốc liệt, nhất là khi dấu hiệu phục hồi kinh tế chưa rõ ràng” - ông Phú nói.
Hiện đại nhưng… ế
TP Đà Nẵng đã cải tạo, nâng cấp chợ Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) thành chợ mới có tên gọi chợ Siêu thị Nguyễn Kim. Chợ được xây quy mô, có tầng hầm giữ xe, thang máy. Thế nhưng, tiểu thương đã không ít lần phản ứng cho rằng tiền thuế quá cao trong khi kinh doanh lại ế ẩm. Hiện chỉ tầng 1 của chợ là nơi bán thực phẩm tươi sống hoạt động bình thường; tầng 2 và tầng 3 là nơi kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, nhiều tiểu thương phải đóng cửa hoặc trả lại sạp vì doanh thu không đủ đóng thuế.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động