Trung tâm thương mại bị thất sủng

Cập nhật 28/03/2013 16:11

Kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu, "ngại" mua sắm ở trung tâm thương mại lớn. Thiếu chỗ để xe, giá hàng hóa đắt đỏ, không tạo được không khí như chợ làm khu mua sắm này càng ế ẩm.

Ghi nhận của VnExpress.net cho thấy, tại khu Nam và phía Tây TP HCM nhiều trung tâm thương mại chật vật tìm khách thuê. Trong khi đó, các khối đế trung tâm thương mại của những tòa chung cư cao cấp tại quận 2 (khu Đông TP HCM) cũng chưa thể đi vào hoạt động. Khả năng hấp thụ căn hộ tại các dự án này còn chậm vì thị trường bất động sản khủng hoảng sâu phần nào khiến mặt bằng thương mại tại đây bị thất sủng.

Tại Hà Nội, các trung tâm thương mại ở khu trung tâm khá đông khách, trong khi đó khu vực ở phía Tây lại vắng vẻ. Nhiều gian hàng để trống chưa có khách thuê. Ngoại trừ dịch vụ ẩm thực ở các khu phức hợp ở trung tâm thành phố hút khách dịp cuối tuần, hầu hết các điểm bán lẻ tập trung ở rìa trung tâm Hà Nội và TP HCM đều vắng khách.

Bất động sản khủng hoảng thừa và kinh tế chưa ổn định khiến trung tâm thương mại gặp nhiều khó khăn trong việc tìm khách thuê. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi các trung tâm thương mại đi vào hoạt động chật vật tìm khách thuê thì lượng tồn kho tại phân khúc này cũng lên tới hàng nghìn m2. Trung tuần tháng 3, Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo UBND thành phố về danh mục tồn kho mặt bằng thương mại tại các dự án bất động sản. Theo đó, phân khúc này tồn kho hơn 43.000 m2 sàn thương mại trên tổng số hơn 51.000 m2, tức "nghẽn" hơn 80% so với tổng diện tích thương mại đã thiết kế. Dự tính giá trị vốn tồn kho khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó, dẫn đầu danh sách này đều là mặt bằng thương mại thuộc các dự án bất động sản tại quận 1 và quận 2.

Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, văn phòng trung tâm thương mại tồn khoảng 25.870 m2. Trong đó riêng Hà Nội dư đến 5.459 m2.

Quản lý Bộ phận bán lẻ Công ty Savills Việt Nam, Phan Văn Tý đánh giá, thị phần trung tâm thương mại có sự chênh lệch lớn giữa khu trung tâm và khu ngoại thành về giá thuê lẫn công suất thuê. Giá của các mặt bằng bán lẻ ở khu trung tâm luôn ở mức cao hơn khu ngoại thành từ 2-3 lần tùy vị trí. Ông Tý cho rằng tỷ lệ trống của từng phân khúc có sự chênh lệch vì các dịch vụ tiện ích tại khu trung tâm tốt hơn nên nơi đây đã thu hút khách thuê và người mua sắm đông hơn các khu thương mại ở ngoại thành.

Kinh tế khó khăn đang tác động mạnh đến xu hướng mua sắm của người dân và chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ. Trong giai đoạn này, hầu như mọi người đều thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung cho các mặt hàng nhu yếu phẩm. Trung tâm thương mại càng ngày càng bị ế ẩm.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá, trung tâm thương mại có giá thuê đắt đỏ chỉ những người kinh doanh hàng hóa cao cấp mới đủ sức chi trả. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng hóa ế ẩm, người mua thắt chặt chi tiêu, nên không phải doanh nghiệp nào cũng trụ được. "Ngoài ra, trung tâm thương mại nhiều nơi có cả hàng nhái nên dần gây mất lòng tin với khách hàng. Bởi vậy, thay vì vào trung tâm thương mại, họ chọn chợ bình dân", ôn Võ nhìn nhận.

Các chuyên gia cho rằng, diện tích khu trung tâm thương mại hiện là quá nhiều. Tỷ lệ lấp đầy thấp sẽ khiến khách hàng không hào hứng đến khu trung tâm thương mại. Ngoài ra, lý do khiến người mua ngại vào trung tâm thương mại là chỗ để xe, nhiều mặt hàng không có thương hiệu nhãn mác gây mất lòng tin với khách hàng.

Ông Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương của CBRE cho rằng, các trung tâm thương mại tại Việt Nam đang phải cạnh tranh nhiều với mua sắm online cũng như chợ truyền thống. Nhiều người, nhất là giới văn phòng ngày càng có xu hướng thích trải nghiệm đi mua sắm ở các chợ truyền thống hơn trung tâm thương mại. Đơn cử, bản thân ông cũng đã từng được vào các khu mua sắm ở phố Cổ vào ngày thứ 7 và "thấy thích thú" khi hòa mình vào không khí sầm uất ở một dãy phố với đầy đủ các dãy bán quần áo, giày dép...

"Tôi đã rất hào hứng khi biết khu phố cổ đã tồn tại được 1.000 năm, điều này tạo cảm giác khác biệt so với mua sắm ở những khu trung tâm thương mại, nơi chưa tạo được không khí riêng cho khách hàng", ông Sam Cucurullo nói.

Theo Quản lý Bộ phận bán lẻ Công ty Savills Việt Nam, Phan Văn Tý, các nhà bán lẻ càng cần phải tăng cường quảng cáo, khuyến mại để đánh thức thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hình thức hiệu quả và phổ biến nhất đó là giảm giá. Chính vì thế, gần đây nhiều trung tâm thương mại và các nhãn hàng đều có những chương trình giảm giá sâu và kéo dài, giảm giá trên giá trị thực đối với các sản phẩm của mình, thậm chí áp dụng cho cả những bộ sưu tập mới để hút khách thuê.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress