Nguyên nhân được các tiểu thương đưa ra là, mô hình Trung tâm thương mại dịch vụ mới không đem lại sự thân thiện với khách hàng như chợ truyền thống.
Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông
|
Những ngày qua, việc UBND Quận Tân Bình, TP.HCM công bố kế hoạch giải tỏa chợ Tân Bình hiện tại để xây trung tâm và chợ truyền thống Tân Bình đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. Thực trạng đưa ra là hiện nay nhiều trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp chợ truyền thống được xây lên nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ, tiểu thương buôn bán cầm chừng. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều nghi ngại về mô hình kết hợp này.
Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông được xây dựng từ năm 1991 trên nền chợ truyền thống An Đông cũ, với quy mô 25.000m2, 4 tầng. Sau gần 20 năm xây dựng, trung tâm thương mại này luôn trong tình trạng vắng vẻ.
Buôn bán tại chợ suốt từ khi mới thành lập, chị Vũ Thanh Hà, Tiểu thương Trung tâm thương mại và dịch vụ An Đông, Quận 5, TP.HCM cho biết, trước đây mỗi ngày có thể bán từ 8-10 triệu đồng, nay chỉ bán cầm chừng từ 1-2 triệu đồng. Nguyên nhân chị Hà đưa ra là mô hình mới không đem lại sự thân thiện với khách hàng như chợ truyền thống.
Khách vắng, buôn bán cầm chừng, nhiều tiểu thương đã quyết định cho thuê lại hoặc bán sạp lấy vốn đầu tư nơi khác.
Chợ truyền thống vắng, chợ kết hợp trung tâm thương mại cũng vắng. Thế nên, các tiểu thương rất e ngại về việc phá bỏ chợ cũ xây chợ mới. Bởi nó không chỉ gián đoạn việc kinh doanh của họ, mà quan trọng hơn là không ai dám chắc khu chợ mới hàng nghìn tỷ đồng kia có giúp cho việc kinh doanh của họ tốt hơn không.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV