Trục lợi đất công ở TPHCM: Mạnh ai nấy được

Cập nhật 31/05/2018 11:00

Hàng nghìn khu đất, nhà công tại TPHCM đang trở thành miếng bánh béo bở khi nhiều cơ quan nhà nước được giao quyền quản lý, sử dụng đã “hợp tác kinh doanh” với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang “xẻ thịt” hàng loạt khu đất để trục lợi.


Công ty CP dược liệu Trung ương 2 sau khi được giao đất công đã “hợp tác” với 2 đối tác bên ngoài để cho thuê đất mở Beer club và nhà hàng, mỗi năm thu chênh lệch 4 tỷ đồng.

“Chùm khế ngọt”

Khu nhà đất gần 800m2 với diện tích sử dụng gần 10.000m2 nằm ở số 8 Nguyễn Huệ được cho là đất “kim cương” ở quận 1 do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nha TPHCM quản lý. Năm 2007, Công ty ký hợp đồng cho Công ty Vạn Thịnh Phát thuê khu đất này 20 năm với giá 135.000 USD/tháng, tương đương 13,5 USD/m2/tháng.

Tòa nhà 12 tầng này được Vạn Thịnh Phát cho thuê lại với giá gần 30 USD/m2/tháng, cao gấp 3 lần so với giá mà họ thuê lại từ Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM. Trong khi đó, biệt thự đất “vàng” ở 201 Võ Thị Sáu, quận 3 với diện tích hơn 1.400m2 được Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM ký hợp đồng cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng thuê 234 triệu đồng/tháng từ 2003 đến 2017. Tính ra, bình quân giá thuê khoảng 160 nghìn đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, sau đó Invesco sử dụng một phần rồi cho thuê lại một phần với giá cao gấp nhiều lần.

Tổng công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn - Sawaco được giao quản lý, sử dụng 233 nhà, đất thì có 29 trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc cho thuê lại không đúng. Theo điều tra, năm 2010, Sawaco được giao khu đất ở 4/19 Hậu Giang, quận Tân Bình theo diện miễn tiền sử dụng đất để phục vụ chuyên ngành.

Sau đó, Sawaco ký hợp đồng liên kết với Công ty Đức Bình với giá thuê 70 triệu đồng/tháng. Tháng 3/2014, Công ty Đức Bình cho Công ty TNHH DV hàng hóa Tân Sơn Nhất thuê văn phòng, kho chứa và sân bãi tại khu đất này để làm khu tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ kho bãi, thời gian thuê lên đến 10 năm. Mức giá mà Công ty Đức Bình cho thuê lại là 900 triệu đồng/tháng, cao gấp 13 lần mà Công ty này trả cho Sawaco.

Tình trạng đất công bị xâu xé nhiều phải kể đến hơn 50 khu đất, nhà công mà Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM được giao quản lý. Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, khu đất 475 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh có tổng diện tích 1.118 m2. Ngày 5/1/2013, UBND TPHCM có văn bản 81/UBND-ĐTMT thuận chủ trương bán chỉ định giá QSDĐ số 475 Bạch Đằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Nhưng đã 10 năm trôi qua, dự án vẫn án binh bất động, thay vào đó là nhà sách FAHASA của Công ty CP Phát hành Sách TPHCM thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Khu đất “vàng” rộng 2.374 m2 tại số 257 Trần Hưng Đạo, quận 1 đã được sở này cho thuê và bị “xẻ thịt” thành 3 phần cho thuê mở quán cà phê với diện tích 128,22 m2 và 2 phòng tập thể hình với diện tích 514 m2.

Trong khi đó, với khu đất rộng với tổng diện tích 260.164 m2 tại số 2 - 4 Lê Đại Hành, quận 11, đơn vị này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 16 tổ chức, cá nhân kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau với phần lớn diện tích. Trong 16 hợp đồng hợp tác kinh doanh này có 7 hợp đồng với tổng diện tích 4.345 m2 không gắn với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao, không đúng mục đích sử dụng đất được giao.

Hợp đồng số 18 ký ngày 11/4/2016 giữa Trung tâm với Công ty TNHH MTV TM-DV Giải trí thể thao FC Phú Thọ để bán quán cà phê, căn-tin, CLB bi-da trên diện tích 1.015 m2 ở mặt tiền đường Lê Đại Hành với giá 45 triệu đồng/tháng, tương đương 44.000 đồng/m2/tháng. Hợp đồng số 63 ngày 28/10/2016 giữa Trung tâm với Công ty TNHH Cây Đào Đỏ để mở quán kem với diện tích 160m2, cũng nằm mặt tiền đường với giá 30 triệu đồng/tháng…

Tranh của Khều.

Biến hóa đất công để trục lợi

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thu hồi gần 5.000m2 đất “vàng” ở  số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Khu đất này thuộc sở hữu nhà nước do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc. Bốn đơn vị này gồm Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí Thành phố, Công ty Cổ phần Hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO).

Năm 2010, bốn công ty trên (sau này là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido. Sau khi chuyển nhượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TPHCM (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido (tỷ lệ 50%).

Đến tháng 6/2011, UBND TPHCM có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng gần 5.000m2 đất này để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại – dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất 50 năm. Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách nhà nước và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TPHCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất trên. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách.

Đồng thời xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho Công ty CP Đầu tư Lavenue. Khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn có lợi thế đặc biệt về thương mại do có 3 mặt tiền đường, gồm đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm, gần kề Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà có giá thị trường hơn 400 triệu đồng/m2.

“Nếu đấu giá khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất có thuận lợi là hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà hiện đang làm bãi giữ xe” - Thanh tra Chính phủ kết luận. Thanh tra Chính phủ đồng thời chỉ rõ, để xảy ra việc biến hoá đất công không qua đấu giá trách nhiệm chung thuộc về UBND TPHCM.

Trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2015. “Ông Tài là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - kiến trúc TPHCM, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM; 4 công ty thuộc Bộ Công Thương”- kết luận nêu rõ.

Còn nhiều thất thoát, lãng phí đất công

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, qua rà soát để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý đất công, cho thấy nhiểu trường hợp còn bố trí làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng nhưng chưa trả lại nhà nước... Qua kết quả sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả đất của các doanh nghiệp nhà nước), các cơ quan chức năng đã: Chuyển giao cho địa phương 621 cơ sở nhà, đất; thu hồi 641 cơ sở nhà, đất; Đề nghị chấm dứt cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất...

Ông Thắng cho biết, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp quy định, gây thất thoát, lãng phí. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.   


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong