Theo kế hoạch, trong năm 2009, toàn thành phố Hà Nội sẽ đưa 83 dự án vào đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất, trong đó có nhiều dự án chuyển tiếp từ năm trước và dự án mới với tổng diện tích đất nghiên cứu cho dự án là 601 ha... với mức thu dự kiến 3.419 tỷ đồng (thực thu 2.183 tỷ đồng).
Để đưa đất vào đấu giá đúng kế hoạch, UBND TP đã giao khối các quận, thị xã tổ chức đấu giá QSD đất 8 dự án, ước thu 1.186 tỷ đồng; khối huyện 72 dự án, thu 2.053 tỷ đồng và khối các sở, ngành, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ 3 dự án với kế hoạch thu 180 tỷ đồng.
Phần lớn dự án đấu giá QSD đất mới được lên kế hoạch năm nay đều thuộc địa bàn mới sáp nhập, trong đó, quận Hà Đông có 6 dự án mới, huyện Thạch Thất 4 dự án mới, thị xã Sơn Tây, các huyện Ứng Hòa, Thường Tín và Hoài Đức mỗi nơi có một dự án mới, các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Chương Mỹ đều có 3 dự án mới và Phúc Thọ có 2 dự án mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP - Vũ Hồng Khanh, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2009, là nguồn bổ sung cho nguồn vốn chi đầu tư phát triển của thành phố. Đối với các trường hợp trúng đấu giá QSD đất từ năm 2008 trở về trước còn nợ đọng kéo dài, đến nay chưa nộp đủ số tiền theo kết quả trúng đấu giá (do lỗi bên trúng đấu giá) thì UBND các quận, huyện rà soát, đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp chậm thu tiền do chủ đầu tư dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật thì phải có chế tài xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu trong quý II/2009, phải hoàn thành việc thu đủ 100% số tiền trúng đấu giá QSD đất của các tổ chức, cá nhân đã trúng đấu giá từ năm 2008 trở về trước và nộp vào ngân sách thành phố. Nếu trường hợp nào chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì Sở Tài chính đề xuất phương án xử lý trình UBND TP trong quý II/2009.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp Sở KH - ĐT, Cục thuế Hà Nội trình thành phố phê duyệt giá sàn, bước giá đối với các dự án đấu giá QSD đất quy mô trên 5.000 m2.
Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước TP cũng vừa đề xuất phương án xử lý, sắp xếp lại 472 cơ sở nhà, đất của 11 sở, ngành và các công ty Nhà nước thuộc thành phố. Trong đó, có 104 cơ sở nhà, đất hiện sử dụng không hiệu quả hoặc có các vi phạm sẽ được thu hồi để tổ chức đấu giá nộp ngân sách hoặc bố trí làm trụ sở cho các cơ quan Nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị