Trông ngóng... cắt giảm dự án bất động sản: Kỳ II: Sốt ruột chờ... đại phẫu

Cập nhật 03/04/2009 10:40

Trong mấy trăm dự án trải trên địa bàn ngót 2.000 km2, cái nào dừng hẳn, cái nào tạm dừng, cái nào cho “đi” tiếp lại là câu chuyện hết sức phức tạp. Chính vì thế, quá trình rà soát, “cân, đong, đo, đếm” của Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đã nối tiếp nhau kéo dài tới hơn 7 tháng mà vẫn chưa đi tới hồi kết.

Bức xúc vì bị treo

Đầy tâm trạng khi nói về quá trình chờ đợi kết quả rà soát, một nhà đầu tư cho biết: “Mới chỉ thăm khám đã lâu như thế, chứ đâu đã được phẫu thuật”. Cũng vì “thăm khám” quá lâu, các dự án trong diện phải làm “xét nghiệm” đều bị tạm dừng khá lâu nên nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lên cơn sốt.

Than thở về chuyện chờ đợi rà soát quy hoạch, ông Nguyễn Doãn Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, riêng huyện này có trên 100 dự án đầu tư đang phải tạm dừng chờ nghiên cứu quy hoạch chung Hà Nội. Điển hình như dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân, trước đây thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), sau khi hợp nhất với Hà Nội đã thuộc phạm vi của huyện Thạch Thất. Tổng diện tích đất của dự án là 22,4ha, do Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư.

Mặc dù chủ dự án đã có đầy đủ thủ tục về đầu tư, thu hồi đất nhưng do phải chờ quy hoạch chung của Thủ đô sau khi mở rộng, nên dự án trên đang phải tạm dừng. Bên cạnh đó là dự án xây dựng một nhà máy xử lý nước và rác thải mini với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng của huyện, trước đây được thực hiện theo cơ chế cũ của tỉnh Hà Tây, nay cũng phải tạm dừng chờ quy hoạch tổng thể mới.

Cũng theo ông Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, các dự án trên phải tạm dừng chờ thành phố rà soát và nhanh nhất cũng phải đến tháng 4-2009, thành phố mới có thể có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là dự báo của huyện, còn thực tế có thể kéo dài lâu hơn.

Cũng như Thạch Thất, doanh nghiệp ở Hoài Đức, một trong những huyện nóng nhất về phát triển khu đô thị cũng đang dài cổ chờ được “xử lý”. Ông Phạm Tiếp - Trưởng phòng Công Thương huyện Hoài Đức nói: “Các doanh nghiệp đều có tâm tư nặng nề. Trong đó, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, ở vị trí của mình, nhà đầu tư cũng chỉ biết... bức xúc và chờ đợi bởi quyết định cuối cùng thuộc về thành phố”.

Không biết điều chỉnh thế nào?

Cũng có số dự án bị tạm “treo” do rà soát quy hoạch thuộc diện lớn nhất Hà Nội, ông Đỗ Lai Luật - Trưởng phòng Công Thương huyện Quốc Oai ước tính, huyện có 50 - 60 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trước khi hợp nhất về Hà Nội với tổng diện tích chiếm đất khoảng 6.000 ha.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với kết quả rà soát của Bộ Xây dựng ở thời điểm hợp nhất, chỉ có... 1 dự án tiếp tục triển khai. Tất cả số còn lại phải xem xét lại quy hoạch. Thế nhưng, phản ánh thông tin từ các doanh nghiệp, ông Đỗ Lai Luật cho biết, nhà đầu tư đang mắc phải khó khăn rất lớn là không biết phải điều chỉnh nội dung như thế nào để phù hợp với quy hoạch. Bởi, quy hoạch chung Hà Nội còn đang giai đoạn... nghiên cứu. Nhanh nhất cũng phải cuối năm 2009, mới có thể có những thông tin cơ bản của đồ án này.

Trưởng phòng Công Thương huyện Quốc Oai tâm sự: “Chúng tôi là các cơ quan chuyên môn cấp dưới cũng chỉ biết đến thế, chưa có cách gì tháo gỡ giúp các doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong thành phố sớm được công bố để biết dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào phải điều chỉnh, còn dự án nào thì dừng”.

Cũng với suy nghĩ như vậy, ông Phạm Tiếp cho biết, huyện cũng muốn tham gia rà soát dự án, quy hoạch để tăng tốc độ nhưng lại không biết làm thế nào. Đứng giữa thành phố và doanh nghiệp, huyện cũng không biết trả lời thế nào khi nhà đầu tư thắc mắc “sao tạm dừng lâu thế?”. Ông Phạm Tiếp nói: “Không có hướng dẫn của thành phố, chúng tôi không biết giải thích, hứa hẹn ra sao. Cái khó là thành phố chỉ đạo phải theo quy hoạch chung nhưng đến nay quy hoạch chung chưa có. Huyện rất muốn sớm có kết quả rà soát cũng như lộ trình triển khai vì thực tế ít nhiều chủ đầu tư cũng đã bỏ vốn chuẩn bị đầu tư...”.

Hiện nay, số nhà đầu tư bị ảnh hưởng do rà soát đồ án quy hoạch, dự án đầu tư ở khu vực phía Tây Hà Nội có thể lên tới hàng trăm. “Nỗi đau” của các doanh nghiệp này, bên cạnh việc mất đi cơ hội tăng tốc dự án trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào đang hạ, lãi suất ngân hàng giảm, ưu đãi vay vốn đang rộng cửa... còn là chuyện có thể bị knock-out trong nay mai.

Thế nhưng, như một số nhà đầu tư bày tỏ, thà được “phán xét” sớm, để có thể nhanh chóng tìm cơ hội đầu tư khác, còn hơn khắc khoải chờ đợi kéo dài... Tin vui cho các nhà đầu tư là cuộc chờ đợi thấp thỏm này có lẽ chỉ kéo dài ít ngày nữa.

Bởi thông tin mới nhất từ UBND TP cho biết, kết quả rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội dự kiến sẽ được công bố trong tháng 4-2009.

>Kỳ 1: Vỡ mộng ôm đất

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô