Trong 5 năm giá nhà tại TPHCM tăng gấp đôi, chung cư 20 triệu đồng/m2 biến mất khỏi thị trường

Cập nhật 24/11/2020 11:46

Được nhận định là trung tâm kinh tế lớn và là thành phố đông dân cư nhất cả nước, TP.HM đang đứng trước một thực tế là nhu cầu mua nhà ở cao nhưng lượng cung ngày càng nhỏ giọt, giá bị đẩy lên cao.



Tính đến hết quý III/2020, ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy nguồn cung nhà ở tại TP.HCM cực kỳ khan hiếm. Đơn vị này cho biết trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở gặp nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu từ quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường…

Riêng quý III/2020 có 7.197 căn hộ chào mới, giao dịch 5.406 căn hộ. Nguồn cung mới có sự tụt giảm mạnh mẽ so với hai năm trước đó, chỉ bằng 80% so với năm 2018 và bằng 70% so với năm 2019. Mức giá bán dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020). Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại Thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lý giải, tại TP.HCM nguồn cung mới từ các dự án bất động sản nhà ở sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính của thực trạng này đến từ việc rà soát, thanh kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… tại các dự án. Dù cung khan hiếm, cầu thị trường lớn nhưng lượng giao dịch vẫn sụt giảm mạnh bởi hệ lụy từ cung sụt giảm dẫn đến giá bất động sản có chiều hướng tăng.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại lo sợ của các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật, trong khi nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước gần như không có để giúp họ kiểm chứng cũng là nguyên nhân khiến thị trường kém sôi động.

Theo ông Đính, nhiều năm trước, giá nhà ở các đô thị lớn ổn định, đi lên rất thấp, mỗi năm nhích 2 - 3%. Nhưng hiện tại, giá nhà tại TP.HCM đang tăng đột biến, có những dự án trong năm 2019 tăng lên khoảng 10 -15%.

Ông Đính cho rằng khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính làm tăng giá căn hộ chung cư tại TP.HCM. Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển mà là tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Đính đặc biệt nhấn mạnh: "Giá nhà ở hiện nay tại TP.HCM đang vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập trung bình - thấp và đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhất là phân khúc bình dân, dẫn đến giá nhà tăng, người dân khó có cơ hội sở hữu nhà ở với giá 1,5 tỷ đồng trở lại".

Cũng theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Việt Nam, trong 5 năm qua, giá nhà tại TP.HCM lên tục tăng. Năm 2015 giá căn hộ cao cấp khoảng 45 triệu/m2, nhưng tới năm 2020 khoảng 70 - 90 triệu đồng/m2; căn hộ trung cấp giá khoảng 21 - 25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên bình quân khoảng 36 - 43 triệu đồng/m2; căn hộ bình dân năm 2015 khoảng 16 - 20 triệu đồng/m2 thì nay đã biến mất khỏi thị trường.

Giá nhà đất leo thang khiến cơ hội sở hữu nhà của người dân tại TP.HCM ngày càng xa vời. Theo ông Lâm, nếu lấy mức thu nhập 20 triệu/tháng làm mốc thì giá nhà vẫn cao gấp 4 - 5 lần thu nhập hàng năm của người dân. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương khá cũng chỉ có thể mua nhà có giá khoảng 1 tỷ đồng. Bất cập lớn nhất hiện nay là TP.HCM không còn căn hộ giá rẻ phục vụ nhóm đối tượng này.

Để hiểu hơn về diễn biến căng thẳng nguồn cung cầu nhà ở tại TP.HCM cũng như tìm giải pháp cho bài toán nhà ở tại thành phố lớn nhất nhì cả nước, được sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025: Phân khúc nào phù hợp". Sự kiện sẽ được diễn ra vào ngày 18/12/2020 dự kiến tại Hội trường UBND TP.HCM với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM và các sở ban ngành liên quan.

DiaOcOnline.vn – Theo NSKT