Trở lại vùng “đất sốt” Củ Chi

Cập nhật 25/10/2022 09:52

Củ Chi hơn 1 năm qua được xem là vùng “đất sốt” ở phân khúc đất vườn, đất nền, đất nông nghiệp… khi địa phương này xuất hiện thông tin sẽ nâng cấp lên TP, nhất là sau hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư với sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, cùng với xu hướng của thị trường, vùng “đất sốt” nay đã trở lại nhịp sống thường ngày.

Vùng “đất sốt” Củ Chi trước đây nay đã trở lại nhịp sống thường ngày.

So với các quận, huyện khác trên địa bàn TPHCM, Củ Chi có khá ít dự án nhà ở (cả thấp tầng và cao tầng). Những năm gần đây tại Củ Chi nở rộ dự án phân lô bán nền, nhưng sau đó qua thanh tra đã phát hiện không ít sai phạm. Hiện phần lớn nhà ở của người dân có từ lâu đời, được xây dựng trên những khu vườn rộng, tỷ lệ đất nông nghiệp so với đất tự nhiên của toàn huyện chiếm khá lớn.

Cụ thể, tổng diện tích tự nhiên của Củ Chi 43.496ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 28.228ha. Chính vì vậy, khi có những thông tin mới về phát triển Củ Chi trong thời gian tới, lập tức nơi này trở thành tâm điểm của cơn sốt đất vườn, đất nông nghiệp, đất thổ vườn…

Anh Vũ, một cò đất khu vực xã Tân Phú Trung, cho biết thời đỉnh điểm của cơn sốt là sau khi có thông tin Củ Chi sẽ lên TP, sau đó là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn. Hầu hết đất ở Củ Chi là đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, vào thời điểm trên người dân các nơi đổ xô về Củ Chi mua đất với giá cao.

Cụ thể, giá đất trồng cây lâu năm khu vực đường Hồ Văn Tăng trước sốt giá tầm 5 triệu đồng/m2, lúc đỉnh điểm lên 7 triệu đồng/m2; đất lúa cũng tăng từ dưới 2 triệu đồng lên 4 triệu đồng/m2… Thời điểm này ở Củ Chi người ta luôn bàn tán về giá đất, hỏi thăm về người bán, người mua, về một TP tương lai, về những dự án tỷ đô được các nhà đầu tư cam kết, ghi nhớ… Và giá đất cứ thế tăng theo từng ngày.

Trở lại Củ Chi vào những ngày đầu tháng 10, chúng tôi ghi nhận không khí sốt đất không còn “hầm hập” như trước nữa. Những quán cà phê, tụ điểm “giao dịch” đông đúc trước kia nay khá vắng vẻ. Cảnh buôn bán đất nhiều khu vực nóng trước kia như Bình Mỹ, thị trấn Củ Chi, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng… đã hạ nhiệt.

Anh Bình, cư dân xã An Nhơn Tây cho biết, khi đất sốt nhiều người dân có đất đã tranh thủ bán để giải quyết nhu cầu cá nhân, nhiều người từ các nơi đến mua để đầu cơ, mua đi bán lại… Khảo sát giá lô đất trồng cây lâu năm có diện tích 2.000m2 trong con hẻm trên đường Hồ Văn Tăng, xã Tân Phú Trung, chúng tôi được biết chủ nhân đang kêu bán giá 5 triệu đồng/m2, tức giảm 2 triệu đồng/m2 so với lúc sốt đất vài tháng trước.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết đúng là thời gian qua trên địa bàn huyện có hiện tượng “sốt đất”, nhiều người mua đất nhưng không đưa vào khai thác, sản xuất, mà phân lô để bán lại. Nhằm tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn đất đai, cũng như đưa công tác quản lý nhà nước vào nền nếp, đảm bảo theo quy định pháp luật, ngày 28-4, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện. Theo bà Hiền, trong vài năm gần đây, tiến trình đô thị hóa của huyện diễn ra nhanh, nhất là theo xu thế phát triển về kinh tế-xã hội hiện nay của huyện trở thành cực phát triển của TPHCM. Từ tiềm năng phát triển của huyện, thị trường bất động sản (BĐS) khá sôi động. Người dân nơi khác đến tìm mua đất ở Củ Chi ngày càng nhộn nhịp.

Dân số ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng đất, xây dựng tăng theo. Từ đó, công tác quản lý việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của người dân ngày càng khó khăn. Do đó, công tác quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội…

“Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt được công bố, công khai rộng rãi, minh bạch bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền, niêm yết, công khai trên trang tin điện tử, nơi người dân dễ nắm và tiếp cận về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, để nhân dân giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch và thực hiện kế hoạch sử dụng đất được duyệt, góp phần hạn chế vi phạm về đất đai, xây dựng.

Tất cả biến động sử dụng đất được cơ sở cập nhật và theo dõi thường xuyên đảm bảo cho nhu cầu quản lý đất đai của địa phương. Vì vậy, thời gian qua đã góp phần hạ nhiệt thị trường mua bán đất ở Củ Chi” - bà Hiền chia sẻ.

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP