Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Cập nhật 23/04/2013 11:00

Chuyện Hà Nội quyết tâm xử lý triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo cách đây đã gần chục năm (năm 2003). Nhưng từ đấy đến nay, mọi chuyện vẫn y nguyên và nhà siêu mỏng siêu méo vẫn "ngang nhiên” tồn tại. Thực tế, giải quyết dứt điểm nhà siêu mỏng siêu méo tại Hà Nội hiện nay đang gặp phải vấn đề nan giải khi Sở Xây dựng Hà Nội chưa thể đưa ra giải pháp quyết liệt, trong khi chính quyền sở tại mỗi lúc một kêu khó vì hợp khối, đền bù hoặc tái định cư. Những ngôi nhà không ra hình thù vì thế vẫn tiếp tục tồn tại trên các khu phố, phá vỡ cảnh quan và kiến trúc cũng như phá vỡ cả không gian đô thị Thủ đô.

Các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay đều có "mặt tiền” nằm trên những tuyến đường thương mại, có giá trị chuyển nhượng cao. Ảnh: Hoàng Long

Tại cuộc họp giao ban mới đây nhất, lãnh đạo thành phố khẳng định, Sở Xây dựng tuy đã nêu ra một số vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân chậm trễ trong xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, song lại chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó. Tính đến nay theo báo cáo của 11 quận, huyện vẫn còn tồn đọng 252/597 trường hợp chưa được xử lý. Trong số đó, quận Ba Đình còn  tới 69 trường hợp, Hà Đông còn 34 trường hợp…

Ông Nguyễn Đức Học, Phó GĐ Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân của việc chưa đưa ra giải pháp cụ thể là do các cấp chính quyền còn lúng túng và chậm chễ trong việc giải quyết những ngôi nhà tuy mỏng nhưng "đáng giá ngàn vàng”.  Cụ thể, 90% các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay đều có "mặt tiền” nằm trên nằm trên những tuyến đường thương mại, có giá trị chuyển nhượng cao. Chính vì vậy, việc hợp khối hết sức khó khăn, và ở đây vai trò của chính quyền sở tại rất quan trọng. "Cơ chế chính sách đã có nhưng việc triển khai tại địa bàn, theo báo cáo, lại rất phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng chung, và việc giải quyết nhà siêu mỏng siêu méo chưa thể hoàn thành mục tiêu đề ra mà  sẽ phải rời tới hết quý 2/2013”, ông Học nhấn mạnh.

Theo ông Học một khó khăn nữa là việc áp dụng chính sách thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay không được người dân đồng thuận. Một số trường hợp khi thu hồi đất còn vướng cơ chế tài chính như giá thuê nhà, thời gian thuê nhà và thủ tục đấu thầu. Đó là chưa tính đến kể cả khi người dân chấp thuận cho nhà nước thu hồi thì việc thực hiện cũng không hề đơn giản. Bởi theo quy định khi thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, chính quyền, chủ đầu tư phải thực hiện hàng loạt thủ tục liên quan như lập dự án đầu tư, phương án đền bù, tái định cư, trích đo địa chính, bản đồ… Tất nhiên đi kèm với đó là phải có kinh phí.

Về phía chính quyền sở tại, ghi nhận tại quận Thanh Xuân, một lãnh đạo quận cho biết, việc sử lý nhà siêu mỏng siêu méo theo kiểu "trăm dâu đổ đầu tằm”, khi các văn bản của UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường lúc chậm, lúc trùng, thậm chí còn ngược nhau nên tiến độ xử lý các công trình luôn khó. Hợp khối thì vướng mắc về giá, cưỡng chế thì người dân kiện cáo các cấp. Gút lại nếu không thống nhất về hướng dẫn, cấp dưới cũng "bó tay”.

Trước vấn đề nan giải trên,  tại cuộc họp giao ban, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất những cơ chế, biện pháp mới, phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, Hà Nội yêu cầu các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường báo cáo việc giải quyết dứt điểm một số công việc trước ngày 30-4. Ngoài ra, Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp tục đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời cũng tổng kết kinh nghiệm của UBND quận Gia Lâm, Thanh Trì xử lý nhà siêu mỏng siêu méo để phổ biến biện pháp giải quyết cho các địa phương khác. "Không lùi thêm thời hạn giải quyết nhà siêu mỏng siêu méo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, cũng như cảnh quan đô thị chung của Hà Nội”, ông Khôi khẳng định.

Qua khảo sát tại 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa, đại bộ phận người dân đều đồng tình hợp khối. Vấn đề then chốt là giá đền bù và ưu đãi phù hợp hơn đối với các diện tích đất nhỏ nhưng là vàng ròng. Sử dụng chính sách "mở”, linh hoạt sẽ thuận lợi hơn là cứ áp đặt máy móc luật định của địa phương này với địa phương khác, nhà này với nhà khác. Giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo như vậy mới có "lối thoát”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Doàn Kết