Triết lý kiến trúc cho các khu hành chính tập trung

Cập nhật 05/01/2017 15:58

Mới đây Chính phủ đã yêu cầu các địa phương tạm dừng việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung. Trong khi TP.Hồ Chí Minh tuân thủ quyết định này thì một số tỉnh thành đang tiếp tục xin phép, một số đã có phép trước đây đang phân vân trước yêu cầu này.

Có thể nói vấn đề xây dựng các trung tâm hành chính cấp tỉnh, thành đã trở thành phong trào của cả nước. Dưới góc độ phát triển chiến lược, đầu tư rất lớn và phát huy giá trị bền vững, đã đến lúc Quốc hội cần có tiếng nói chính thức kịp thời về cuộc chạy đua này.

Trước tiên cần khẳng định rằng, nếu chưa phải cấp bách phân định đúng sai thì cũng phải nhanh chóng tìm ra sự hài hòa, tính hiệu quả thực sự nhiều mặt của việc xây dựng khu hành chính tập trung.

Mỗi một thời kỳ, trật tự xã hội nào cũng cần có biểu hiện quyền lực và uy tín, phẩm chất phù hợp với chính thể tương ứng mà hình thức các trụ sở công quyền là bộ mặt dễ cảm nhận nhất. Hệ thống chính trị của chúng ta khẳng định chính quyền là của dân – do dân – vì dân. Quyền lực nhân dân là to lớn, nhưng từng người dân rất dễ cảm thấy nhỏ bé, rụt rè ở nơi những “công bộc” của mình làm việc. Nhu cầu mọi mặt của nhân dân – ở đây là cộng đồng đô thị – về giao dịch công thuận lợi, về tâm lý được tôn trọng, về cảm giác thân thiện, kể cả niềm tự hào về hình ảnh đĩnh đạc hoành tráng của những công trình đại diện cho địa phương mình nữa.

Không thể để các nhu cầu đó trở nên khiên cưỡng, giả tạo, không phù hợp thực trạng nền kinh tế… bằng sự diễn giải chủ quan dựa trên bất cứ lợi ích nào khác với lợi ích cộng đồng. Vậy phải chăng giá trị tổng hợp các yếu tố sau đây chính là triết lý kiến trúc cho các khu hành chính tập trung, đó là tiện ích – dân chủ – thân thiện – giá trị nghệ thuật cao.

Đã có nhiều địa phương xây dựng khu hành chính tập trung bao gồm cả Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Tỉnh ủy, đoàn đại biểu quốc hội, các sở – ban – ngành – đoàn thể… Sự phức tạp thái quá về tính đa công năng dễ dẫn đến hai thái cực kiến trúc: hoặc vụn vặt với hàng trăm con số cộng đơn thuần, hoặc khoác đồng phục đơn điệu cho nhiều tính chất công năng khác nhau.

Do vậy cần phân biệt công năng và tính chất của từng cơ quan để có chủ trương phù hợp trong việc xây dựng các khu hành chính tập trung.

Một trụ sở Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, Tòa án… thì tính chất pháp quyền hay những giá trị biểu trưng chắc chắn không thể thiếu. Trong khi đó, trụ sở của cơ quan văn hóa thể thao du lịch thì đương nhiên mọi người chờ đợi ở đó một cảm giác tươi tắn khác hơn tòa án.

Hoặc tuy cùng một ngành chuyên môn, một thể loại công trình, nhưng lại khác nhau ở cấp quốc gia, thành phố hay quận huyện, phường xã… Dù cùng một ngành nhưng khối lượng công việc và tính chất công việc của từng cấp hoàn toàn khác nhau, có cấp trực tiếp với người dân, có cấp thì không.

Ở đây có thể có rất nhiều ví dụ để quyết định công năng nổi trội ở mặt nào, cấp nào, quy mô và tính thuận tiện, mức độ quan trọng của tính biểu trưng trong mỗi cấp kiến trúc.

Ví dụ Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện ở cùng trung tâm, quyền lực của HĐND lớn hơn (có quyền bổ nhiệm UBND) nhưng lại có quy mô làm việc khiêm tốn hơn. Do vậy bố cục kiến trúc cơ quan công quyền này gặp không ít khó khăn để giải quyết tính biểu trưng tương xứng.

Hay trụ sở trung tâm hành chính cấp quận, huyện có vẻ như rất hợp lý để vừa đủ chỗ làm việc cho các phòng chuyên môn, vừa đủ bề thế của một trụ sở công quyền mà vẫn đảm bảo một cự ly phục vụ tương đối đều cho địa bàn nhỏ nhưng mô hình TTHC cấp quận, huyện chuyển lên quy mô cấp tỉnh thành có vẻ như không còn thuận tiện nữa vì chiếm không gian quá lớn và khối lượng giao tiếp đặc thù của từng Sở rất khác nhau sẽ xuất hiện sự không tương thích của giải pháp bố trí không gian.


Trung tâm hành chính Đà Nẵng với kiến trúc hiện đại, sau một thời gian sử dụng đã cho thấy không phù hợp

Công trình khu hành chính tập trung có quy mô xây dựng lớn hay nhỏ chưa phải là vấn đề nếu như phù hợp với quy mô và sự hợp lý về công năng kiến trúc và chức năng đô thị.

Với những gì đang diễn ra, cần thiết lý giải mấy yếu tố sau:

– Những đô thị lớn của chúng ta như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có khu hành chính tập trung khoảng 2 hécta, thế nhưng đô thị thủ phủ của các tỉnh, thành khác (nhỏ hơn nhiều về mọi mặt) dựa trên lý giải nào để đầu tư đất xây dựng các khu hành chính tập trung lớn hơn cả chục lần, cá biệt tới 60 lần, so với TP. Hồ Chí Minh?

– Quy chuẩn diện tích sàn bình quân trụ sở hành chính đã áp dụng nhiều năm qua khoảng 12m² đến 15m²/1 CBNV. Khi xây dựng trung tâm hành chính tập trung, diện tích này đã tăng lên từ 2,5 đến ba lần (40m²/1 CBNV) và có vẻ sẽ còn tăng trong các dự án tiếp theo. Vậy thì chuẩn nào là giới hạn?

Đã một thời, các chuyên gia từng cảnh báo hội chứng “trục đô thị tối đèn” khi hàng loạt các trụ sở công quyền được quy hoạch nằm dọc hai bên một trục lộ gọi là “trục hành chính” đô thị. Lý do là vì không có cấu trúc dân cư và dịch vụ lân cận, nên ngoài giờ hành chính cả trục đường thiếu vắng hoạt động. Về đêm, trục đô thị này không có lý do sáng đèn, bị kẻ xấu lợi dụng khai thác.

Đóng góp gì cho sinh hoạt đô thị khi một khu hành chính tập trung bao gồm nhiều con đường như thế sẽ được tổ hợp vào trong quy hoạch đô thị? Có thể một đồ án kiến trúc xuất sắc sẽ làm nên hình ảnh và không gian kiến trúc chấp nhận được, nhưng liệu sự hình thành một khu vực chuyên biệt rộng lớn chỉ dành cho cán bộ công chức sẽ giúp ích được gì cho sự cảm nhận về một chính quyền thân thiện của người dân?

Việc vận hành tập trung một tòa nhà hoặc tổ hợp nhà siêu lớn như khu hành chính tập trung là một lợi thế.Những tòa nhà lớn này bao giờ cũng cần có bộ máy quản trị bảo trì bảo dưỡng điều phối rất lớn và có hệ thống chứ không đơn giản là con số cộng của nhiều tổ hợp nhỏ.Hiệu quả có được trong trường hợp này là phải đầu tư hệ thống tòa nhà thông minh và quản trị chuyên nghiệp.Nếu không thì độ phức tạp của một khu hành chính tập trung rất lớn sẽ gây lãng phí vì đơn giản trong quản lý.

Khi đã tổ hợp tập trung thì phải khai thác lợi ích về quản trị, về vận hành, để có thể tận dụng hết công suất các phần dịch vụ (trưng bày quảng bá, phòng họp, đội xe, tạp vụ, phòng khách…).Điều này sẽ thể hiện ở diện tích sàn sử dụng trên mỗi CBNV giảm so với tổ chức phân tán.Hiện đang có hiện tượng ngược lại, nên cần phải làm rõ các chuẩn mực tính toán.

Để có dữ liệu cân đối đầu tư các khu hành chính tập trung cần tính đúng, tính đủ trong nội dung dự án. Các con số căn bản cần đưa vào bài toán đầu tư khu hành chính tập trung cấp tỉnh hiện tại gồm:

– Giá đất: 12.000 tỉ đồng (bình quân 20ha đất trung tâm đô thị – giá thấp nhất theo chuẩn đất trung tâm đô thị khoảng
60 triệu/m²).

– Vốn xây dựng công trình: 2.000 tỉ đồng (bình quân 70.000m² x 30 triệu).

– Ngân sách đầu tư quản trị chuyên nghiệp, bảo trì…

Hình dung một con số khái quát như trên là để có cơ sở cân nhắc sức khỏe kinh tế xã hội đối với các trung tâm hành chính tập trung, khi tình hình dòng kiến trúc này trở thành mục tiêu chạy đua của tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thời gian qua, cuộc chạy đua xây dựng khu hành chính tập trung của các tỉnh thành trên cả nước nóng dần lên từng ngày. Dư luận cũng đã bắt đầu theo dõi hiệu quả của các công trình này dưới nhiều góc độ xem xét, khen chê; nhưng nổi bật lên là tâm lý lo ngại vì nhiều chuẩn giá trị chưa định mức mà quy mô xây dựng, quy mô đầu tư cứ to dần, tăng dần. Gánh nặng ngân sách xây dựng cũng ngày càng đặt nặng lên vai người đóng thuế.

Đã đến lúc phải huy động trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả người dân nhằm tìm một giải pháp tối ưu. Để Quốc hội nhanh chóng có cơ sở phán quyết, đưa các khu hành chính tập trung về đúng bản chất công năng và đúng lộ trình phát triển cân bằng với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, thì cần một lối ra có tính khả thi, phù hợp với mong muốn của các địa phương và phù hợp với thực trạng kinh tế chính trị nhất.

Trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay, có một số điều nên nghiên cứu.Thứ nhất, nên quy định xây dựng khu hành chính hoặc tòa nhà hành chính tập trung cho các cấp quận, huyện, phường, xã.

Thứ hai, cấp thành phố nếu cần tập trung hành chính thì chỉ nên xây dựng tòa nhà hoặc tổ hợp hành chính tập trung với mức độ phù hợp khác nhau.

Thứ ba là cấp tỉnh, nếu có ý định tập trung các hoạt động hành chính, nên chăng thay vì làm khu hành chính tập trung như hiện nay thì chỉ nên thực hiện quy hoạch khu đô thị hành chính. Trong đó chức năng hành chính được làm đậm lên thành công năng chủ đạo nhưng cân đối hài hòa với nhiều công trình khác của đô thị như công viên, bảo tàng, nhà văn hóa, thương mại, văn phòng… thậm chí cả khu nhà ở cao cấp phù hợp. (KTS Nguyễn Văn Tất)

DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT