Triển vọng đô thị hoá tại Việt Nam đến 2020

Cập nhật 03/10/2008 10:54

Với sự tài trợ và hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Chính sách và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JPHRD), nhóm chuyên gia nước ngoài và trong nước đã đưa ra những dự báo phát triển đô thị Việt Nam đến 2020.

Những thành phố nào dân số tăng nhanh?

Chuyển đổi vai trò của khu vực Đông Nam Á đặt Việt Nam vào một vị trí chiến lược có giao thương mở và có chính sách chủ động trong hội nhập quốc tế. Việc này đã dẫn đến việc thiết lập các ngành công nghiệp không chỉ tại hai đô thị xếp loại đặc biệt (Hà Nội và Tp.HCM) mà còn tại rất nhiều đô thị khác trên lãnh thổ.

Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại ảnh hưởng phát triển to lớn. Tốc độ tăng dân số trong phần lớn các đô thị được nhìn thấy trước, sẽ tiếp tục trong tương lai gần.

Triển vọng của một công cuộc đô thị hoá hết sức năng động cũng được dự báo, vì sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hoá và hiện đại hoá với tỷ lệ tăng trưởng dân số đô thị cao, do luồng dân di cư ồ ạt từ nông thôn đổ về các thành phố. Hà Nội và Tp.HCM sẽ cuốn hút rất nhiều dân nhập cư từ các vùng nông thôn.

Những thành phố nào sẽ mở rộng?

Vậy, việc đầu tư lớn cho hạ tầng mới và mở rộng lãnh thổ các thành phố trên là cần thiết, để đáp ứng phục vụ cho tăng trưởng dân số là mở rộng diện tích khu vực xây dựng của đô thị.

Quy hoạch đô thị trung tâm lớn (metropolitian planning) đã bắt đầu tại Hà Nội (sáp nhập Hà Tây và một số đơn vị hành chính khác), Tp.HCM, Đà Nẵng mới chỉ hạn hẹp trong phạm vi quy hoạch không gian. Hai thành phố Hải Phòng và Cần Thơ đã chuẩn bị các chiến lược phát triển thành phố tương ứng, còn các đô thị khác vẫn còn đang trong giai đoạn quy hoạch chung, theo cách thức vừa làm vừa chờ xem thế nào.

Sự chuyển đổi sử dụng đất, và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ phi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác.

Các cách tiếp cận dựa theo cân nhắc chi phí-hiệu quả là rất cần thiết nhằm giảm bớt áp lực vào các thành phố chủ chốt (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) thông qua việc cần đẩy nhanh sự phát triển của các thành phố, cụ thể là: Biên Hoà, Nha Trang, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Long Xuyên, Vinh, Tân Hiệp, Quy Nhơn, Hải Dương, Rạch Giá và Thuận Hiệp.

Triển vọng của các vùng đô thị

Hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đóng vai trò chủ chốt tại khu vực đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên cần trải xuống tới các thành phố hành lang như Hải Dương, Vĩnh Yên và Bắc Ninh mới có hiệu quả cao.

Trong khu vực đồng bằng sông Hồng, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương có số lượng người lao động lớn nhất tại thời điểm năm 2005 và sẽ tiếp tục dẫn đầu vào năm 2020. Các thành phố Hạ Long, Móng Cái và Cẩm Phả sẽ phải đóng vai trò lực hướng tâm cho tỉnh Quảng Ninh, (tỉnh có số lượng công nhân các xí nghiệp lớn nhất của vùng Đông Bắc).

Phú Thọ và Thái Nguyên là hai tỉnh có số lượng người làm công ăn lương lớn nhất của vùng Tây Bắc tính đến thời điểm 2005, dự đoán cũng sẽ như vậy tới năm 2020.

Với sự phục hồi của thành phố ngã ba sông Việt Trì, bổ sung bởi sự gia tăng phát triển tại thành phố Thái Nguyên và Thị xã Phú Thọ, có thể thấy trước được triển vọng phát triển lan toả cho toàn khu vực Bắc bộ. Các đô thị gồm thị xã Hoà Bình, thành phố Yên Bái, thành phố Lào Cai và Điện Biên Phủ sẽ trợ giúp sự phát triển đa cực của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Đối với khu vực duyên hải miền Trung, các động lực trọng yếu trải dọc theo chiều dài với thành phố Đà Nẵng ở vị trí trung tâm, 2 thành phố Thanh Hoá và Vinh ở Bắc Trung bộ, 2 đô thị là thành phố Quy Nhơn và Nha Trang ở Nam Trung bộ.

Đối với khu vực Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là lực lượng kinh tế chủ đạo, bổ sung thêm bởi thành phố Đà Lạt. Triển vọng phát triển và đô thị hoá của khu vực Đông Nam Bộ sẽ dẫn đầu bởi mũi nhọn Tp.HCM, tiếp sau bởi các đô thị ngoại biên gồm Biên Hoà, Thủ Dầu Một và Vũng Tàu.

Thành phố Cần Thơ như một thành phố trục của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được bổ sung bởi các đô thị ngoại biên gồm Mỹ Tho, Rạch Giá, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cà Mau sẽ là các cánh quạt phát triển trong vùng.

Xuất hiện các đô thị cửa ngõ

Các đô thị vùng biên giới như thành phố Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái và thị xã Cao Bằng, sẽ đóng vai trò như các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Thành phố Điện Biên Phủ sẽ thông thương với Lào, thị xã Hồng Ngự và Hà Tiên là những cửa ngõ thương mại với Campuchia.

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với cộng đồng quốc tế qua chính sách mở cửa và hội nhập. Dân tộc Tày là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất sống tại vùng núi và trung du miền Bắc, tập trung dân cư chủ yếu tại khu vực Đông Bắc từ châu thổ sông Hồng đến các đồng bằng duyên hải, và dân tộc Thái là nhóm có nhiều bộ tộc đa dạng nhất tại vùng núi Tây Bắc giáp biên với Lào và Trung Quốc.

Chỉ tính riêng tại khu vực đông bắc, dân số đô thị của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đa số là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 68% và 57% tương ứng mỗi tỉnh.

Còn tại phía Nam, số lượng lớn người dân tộc Kh'me sống tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, các chiến lược phát triển cho các đô thị, gồm cả chiến lược nâng cấp đô thị cho các đô thị thuộc các khu vực trên cần phải tính đến nhu cầu văn hoá xã hội của các nhóm dân tộc ít người này.

Thời của các nhà quản lý, hoạch định


Các viễn cảnh đô thị hoá trong tương lai của Việt Nam đã đặt ra vấn đề chuẩn bị các quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và chiến lược phát triển cho các đô thị có vai trò nổi bật.

Các mục tiêu tổng quát cho phát triển vùng nhằm cải thiện các lợi thế cạnh tranh đặc thù của vùng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tất cả các vùng, tập trung vào phát triển các trung tâm kinh tế, dịch vụ, cải thiện hiệu quả của các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện tại, tăng cường phối hợp giữa các vùng và ở rộng hợp tác với các nước khác.

Các nhà quản lý và hoạch định quy hoạch cần phải có khả năng đánh giá được mức độ thiếu hụt cần bù đắp, khả năng Việt Nam có thể đáp ứng và vượt qua. Nhằm xoá bỏ khoảng cách này, họ cần đánh giá được các nhu cầu thực tế, các rủi ro và chi phí cần được tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác.

Các thách thức của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ. Các chiến lược và chính sách quy hoạch cần giải quyết được cuộc đấu tranh nội bộ trong cả hệ thống nhằm xoá bỏ đói nghèo và cải thiện điều kiện sống và môi trường Việt Nam.

Chính phủ cần từng bước chuyển giao các chức năng về quy hoạch, bổ sung quyền hạn thực hiện các quy hoạch phát triển địa phương cho các cấp địa phương. Phạm vi tăng cường thể chế và nâng cao năng lực, cần được xác định cho thực hiện nâng cấp đô thị.

Phát triển bền vững là một nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi không tránh được của Việt Nam. Các hợp tác liên tỉnh, phối hợp và cộng tác liên đô thị có thể mang lại sức mạnh vượt qua các khó khăn nguồn lực và tài chính. Nguồn lực còn hạn chế như về đất, nước, có thể được giải quyết qua các mối quan hệ liên ngành trong chính phủ, từ đó giảm thiểu chi phí và tối ưu hoá các lợi ích phát triển.

Người Đô Thị