Bài 2: Điểm mặt các dự án "xí phần"
Hàng loạt dự án nhà ở tại các quận huyện đã bị "treo" từ nhiều năm qua khiến cho người dân bức xúc, chính quyền lúng túng còn các chủ đầu tư thì chẳng biết làm cách nào để triển khai.
Trong bảng "phong thần" về các dự án chậm thực hiện của Sở TN-MT TP.HCM, có lẽ trường hợp khó hiểu nhất là các dự án của Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (CTCPĐÔSG). Như trong bài trước chúng tôi đã nêu, CTCPĐÔSG nhận thực hiện một dự án 18,9 ha đã có quyết định thu hồi, giao đất từ năm 2000 tại phường Hiệp Bình Chánh. Theo UBND phường, suốt 7 năm qua kể từ khi có quyết định giao đất cho đến nay, CTCPĐÔSG vẫn chưa đền bù giải tỏa được để thực hiện dự án, khiến cho nhiều hộ dân lâm vào tình cảnh khó khăn vì dự án "treo".
Dù Sở TN-MT đã trình UBND TP.HCM thu hồi, hủy quyết định giao đất tại dự án này nhưng lãnh đạo TP vẫn cho gia hạn đến tháng 6.2007. Không rõ từ đây đến thời điểm gia hạn đó, CTCPĐÔSG sẽ có động thái gì trên khu đất đã được giao suốt 7 năm qua. Thế nhưng, mới đây khi rà soát lại tình hình thực hiện của các dự án, Sở TN-MT cho biết một dự án tại phường Bình An - quận 2 có diện tích 1,65 ha do Công ty dịch vụ phát triển đô thị làm chủ đầu tư lại được đổi chủ đầu tư sang cho CTCPĐÔSG. Trong bảng thống kê của mình, Sở TN-MT ghi chú tại phần của dự án này: "UBND TP gia hạn 6 tháng tính đến tháng 6.2006, cho đổi chủ đầu tư sang CTCPĐÔSG để tiếp tục dự án, tiếp tục thỏa thuận bồi thường".
Chưa hết, cũng trong bảng thống kê về các dự án chậm triển khai do Sở TN-MT lập, một dự án khác có diện tích 1,88 ha tại phường Thới An - quận 12 cũng do CTCPĐÔSG làm chủ đầu tư để xây dựng khu nhà ở và chợ, được giao đất tháng 12.2002, nhưng đến nay cũng chỉ mới bồi thường được 21% diện tích. Trong phần ghi chú của mình đối với dự án này, Sở TN-MT đã ghi: "Đã yêu cầu quận 12 hỗ trợ công ty việc bồi thường đất. Nếu dự án không khả thi thì thu hồi". Như vậy, có thể nhận thấy rằng một công ty suốt 7 năm không triển khai dự án, để dân và chính quyền địa phương than phiền bức xúc nay lại được giao nhận thêm nhiều dự án khác. Trong đó, có dự án dù đã có kiến nghị thu hồi của Sở TN-MT nhưng vẫn được ưu ái cho gia hạn. Có phải đây là những nguyên nhân khiến cho tình trạng dự án "treo" kéo dài ngày càng nhiều tại TP.HCM?
Cũng theo Sở TN-MT TP.HCM, có nhiều dự án trong quá trình rà soát kiểm tra tiến độ thực hiện, Sở TN-MT đã chỉ rõ nguyên nhân khiến cho dự án ngưng trệ, không triển khai được. Đó là do chủ đầu tư không có tiền thực hiện. Chẳng hạn như dự án 410,1 ha do Tổng công ty xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới (tại phường 28, quận Bình Thạnh) đã có quyết định thu hồi đất từ tháng 6.2004. Dự án này suốt 3 năm qua vẫn chưa duyệt được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Và Sở TN-MT đã chỉ rõ lý do chậm tiến độ là: "Không có quỹ nhà đất tái định cư. Tổng công ty không có đủ tiền bồi thường và cần xem xét lại quyết định thu hồi đất".
Tương tự, một dự án khác với diện tích 9,28 ha do Công ty cổ phần Đông Phong làm chủ đầu tư tại phường Long Bình, quận 9 đã có quyết định thu hồi, giao đất từ tháng 9.2003 nhưng vẫn không triển khai thực hiện. Trong phần nhận định về dự án này, Sở TN-MT đã nêu rõ: "Quận 9 đã áp giá, đề nghị công ty chuyển tiền để chi trả cho dân nhưng từ năm 2004 đến nay công ty không có tiền. Cần xử lý thu hồi". Ngoài ra, hàng loạt các dự án khác tại các quận huyện, Sở TN-MT cũng kiến nghị là cần thẩm định năng lực của các chủ đầu tư để xem có nên giao tiếp dự án hay không? Và cần phải thu hồi các quyết định giao đất trước đây nếu thấy công ty đó không đủ năng lực.
Ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - quả quyết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý thu hồi đất tại các dự án "treo"!". Và theo ông Ngọc, "hiện có rất nhiều công ty năng lực rất yếu nhưng lại nhận nhiều dự án", vậy thì tình trạng quy hoạch "treo" quấy nhiễu triền miên người dân lâu nay không chỉ là lỗi của các công ty nhận dự án, trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan có thẩm quyền giao dự án!
T.T.B
(Theo Thanh Niên)
Xử lý dự án "treo" như thế nào?
Ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, sau khi tổ chức nhiều buổi làm việc với các quận huyện, Sở QH-KT và các quận huyện đã thống nhất kiến nghị UBND TP.HCM sửa đổi Chỉ thị 30 (do UBND TP.HCM ban hành ngày 24.12.2003) theo hướng: Đối với các khu vực có dự án "treo" vẫn cấp phép cho người dân xây dựng nhà kiên cố, giải quyết các quyền của chủ sở hữu nhà, đất. Nếu sau này, khi dự án thực hiện thì chủ đầu tư sẽ phải triển khai đền bù giải tỏa theo đúng giá trị của kiến trúc trên đất đã xây dựng. Ông Trần Chí Dũng cũng cho biết thêm, mới đây UBND TP.HCM đã chỉ đạo cần phải thực hiện việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 song song với việc lập quy hoạch chung toàn TP để tránh tình trạng người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch "treo".
T.T.B
Số lượng dự án chậm triển khai bị Sở TN-MT TP.HCM kiến nghị thu hồi tại các quận huyện như sau: quận 2: 4 dự án - 142,7 ha; quận 6: 2 - 2,93 ha; quận 8: 4 - 4,5 ha; quận 9: 8 - 611,1 ha; quận 12: 5 - 49,1 ha; quận Bình Thạnh: 6 - 444,2 ha; quận Thủ Đức: 6 - 146,1 ha ; quận Tân Bình: 2 - 4,93 ha; quận Gò Vấp: 2 - 5,4 ha; quận Bình Tân: 1 - 16,48 ha; huyện Bình Chánh: 3 - 115,8 ha; huyện Hóc Môn: 4 - 658,2 ha; huyện Nhà Bè: 4 - 577,8 ha.
(Nguồn: Sở TN-MT TP.HCM)