Treo sổ đỏ vì vướng tiền sử dụng đất

Cập nhật 20/04/2013 06:16

Có chủ đầu tư muốn đóng tiền sử dụng đất để ra sổ đỏ cho người dân nhưng cũng chưa được giải quyết.

Tại TP.HCM có nhiều dự án phát triển nhà ở đã bàn giao nhà/nền cho dân hơn chục năm nhưng bị ách giấy tờ đất do có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính.

Nguy cơ đóng thêm tiền tỉ

Dự án chung cư Mỹ Thuận (đường An Dương Vương, phường 16, quận 8, quy mô 7.500 m2) được giao đất từ năm 2002 để xây dựng chung cư chín tầng. Năm 2003, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần M&C hoàn thành nghĩa vụ tài chính với phần diện tích 3.128 m2 xây dựng chung cư. Phần công viên cây xanh và công trình công cộng chủ đầu tư không phải đóng tiền sử dụng đất, sau khi xây dựng xong sẽ bàn giao cho quận 8 quản lý.

Năm 2005, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng không ra được sổ đỏ do chưa làm xong hạ tầng. Đến khi chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng, công trình công cộng thì lại nhận được văn bản của Sở TN&MT yêu cầu đóng tiền sử dụng đất cho hơn 4.300 m2 diện tích còn lại.

Cư dân chung cư Bình Minh (phường Bình An, quận 2) đang mòn mỏi chờ giấy chứng nhận. Ảnh: V.HOA

Theo Sở TN&MT, Nghị định 181/2004 quy định: Đất xây dựng nhà chung cư và các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư thuộc chế độ đồng quyền sử dụng đất của những người sở hữu căn hộ chung cư. Do đó, chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất cho hơn 4.300 m2 đất công trình công cộng. Tuy nhiên, trong công văn này, Sở không nói rõ chủ đầu tư phải đóng theo giá đất tại thời điểm 2002 hay là giá thị trường thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần M&C, lập luận: “Dự án của tôi được giao đất năm 2002, có nghĩa là mọi thủ tục pháp lý đều có hiệu lực từ thời điểm đó. Công ty cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính vào năm 2003 cho diện tích xây chung cư. Nay bắt chúng tôi thực hiện theo Nghị định 181/2004 là vô lý. Còn nếu phải đóng theo giá thị trường hiện nay thì lại càng không thể chấp nhận”.

Muốn đóng tiền cũng không được

Một trường hợp khác là dự án khu nhà ở có quy mô 40 ha tại đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12. Khi được giao đất (năm 2001), chủ đầu tư đã xin phép nhập hai đường dây điện cao thế chạy qua dự án lại làm một và được Sở QH-KT chấp thuận bằng văn bản. Việc này làm tăng thêm 21.000 m2 diện tích đất ở vốn trước đây nằm trong hành lang an toàn lưới điện.

Đáng nói, dù dự án được chấp thuận điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất từ năm 2002 nhưng mãi tới năm 2011, TP mới ban hành quyết định điều chỉnh. Đó cũng là lý do khiến 70 nền đất bị giam sổ đỏ từ đó đến nay. Chủ đầu tư cho biết rất muốn đóng tiền sử dụng đất để ra sổ cho số nền này nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời chính thức là phải đóng theo thời điểm giao đất hay thời điểm có quyết định điều chỉnh.

Sẽ xem xét từng trường hợp

Về hai trường hợp trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, cho biết: Nghị định 84/2007 quy định tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất. Trường hợp thời điểm bàn giao đất không đúng với thời điểm ghi trong quyết định giao đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm bàn giao đất thực tế.

Ông Nam cho biết qua phản ánh của báo, Sở đang xem xét hồ sơ của hai dự án này và sẽ sớm có văn bản gửi các chủ đầu tư và Cục Thuế để xử lý. “Riêng trường hợp của Công ty M&C, quan điểm của Sở là vẫn thu tiền của phần diện tích 4.300 m2 nhưng đóng theo thời điểm giao đất chính thức (năm 2002). Trước đây, Cục Thuế chỉ thu tiền sử dụng đất phần diện tích hơn 3.000 m2 là chưa chính xác. Sở sẽ có văn bản gửi Cục Thuế và chủ đầu tư về vấn đề này” - ông Nam nói.

Tại TP.HCM có nhiều dự án phát triển nhà ở đã bàn giao nhà/nền cho dân hơn chục năm nhưng bị ách giấy tờ đất do có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính. Khổ sở vì bị thu tiền sử dụng đất

Chung cư Bình Minh 12 tầng, phường Bình An, quận 2 có tổng diện tích hơn 17.000 m2, trong đó hơn 3.000 m2 diện tích xây dựng chung cư được miễn tiền sử dụng đất theo Nghị định 38/2000. Phần còn lại chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Miền Nam đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Khi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, chủ đầu tư được biết: Theo Công văn 2470/2012 của Bộ TN&MT, trường hợp được giao đất và miễn tiền sử dụng đất theo Nghị định 71/2001 nhưng chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán nhà ở theo giá thị trường từ sau ngày 1-7-2004 phải đóng tiền sử dụng đất tính tại thời điểm bàn giao đất thực tế. Đa số căn hộ tại chung cư này đều chuyển nhượng sau thời điểm nêu trên nên chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất.

Chủ đầu tư cho rằng dự án này không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 71/2001 nên không bị điều chỉnh bởi công văn trên. Nghị định 38/2000 không quy định điều kiện về giá bán và đối tượng mua căn hộ khi thực hiện miễn tiền sử dụng đất. Do đó yêu cầu công ty phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 71 là không có cơ sở.

Ngoài ra, theo Sở TN&MT, việc thu tiền sử dụng đất với chung cư Bình Minh là rất khó thực hiện. Bởi tại thời điểm giao đất, công ty này là doanh nghiệp nhà nước nhưng bây giờ đã cổ phần hóa, các căn hộ cũng đã bán hết cho khách hàng. Trường hợp bắt buộc thu thì ai sẽ “gánh” khoản tiền không nhỏ này?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết Sở đã có văn bản kiến nghị Bộ TN&MT có ý kiến chỉ đạo về trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa trả lời.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP