Treo bảng cho thuê mặt bằng cả tháng cũng không ai hỏi thăm

Cập nhật 29/07/2020 09:34

Dù giá thuê mặt bằng đã có nhiều biến động theo chiều hướng giảm nhưng nhiều mặt bằng dán bản “cho thuê”, giảm giá sâu mà vẫn chưa có khách nào quan tâm.

Thị trường bán lẻ vẫn chưa có nhiều khởi sắc thì thông tin Covid-19 quay trở lại càng thêm điêu đứng. Các cửa hàng, quán ăn liên tiếp trả mặt bằng vì không gánh chịu nổi chi phí.

Vì thế, hình ảnh các quán xá đóng cửa, các dãy nhà dán bản cho thuê mặt bằng khá bắt mắt nhưng không có ai "mơ màng" đang xuất hiện ngày càng nhiều tại TPHCM.

Các cửa hàng, quán ăn liên tiếp trả mặt bằng vì không gánh chịu nổi chi phí (Ảnh: Đại Việt)

Qua ghi nhận, tại một số tuyến đường như: Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Ngô Gia Tự (quận 10), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 và 3)… đều xuất hiện nhiều mặt bằng trống và treo bảng cho thuê.

Qua tìm hiểu, các mặt này được trả lại khi dịch Covid – 19 bùng phát lần 1 và đến khi dịch được kiểm soát vẫn chưa có người thuê lại. Giờ đây, khi dịch bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng nhưng viễn cảnh về các mặt bằng không người thuê sẽ còn kéo dài.

Chị Ngọc Hà (có mặt bằng cho thuê ở quận 5) chia sẻ, dù đã giảm giá từ 3 – 5 triệu đồng cho nhiều mặt bằng thuê khác nhau. Thế nhưng, vẫn không nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Theo chị Hà, nhiều chủ nhà còn thực hiện cam kết không tăng giá thuê cho đến hết quý 1/2021 nhưng vẫn không khá hơn.

“Việc kiếm được người thuê mặt bằng hiện nay là một điều rất khó. Nhiều chủ nhà đã ra chính sách ưu đãi nhưng vẫn không hút được khách hàng. Giai đoạn này khách hàng rất kén trong việc chọn mặt bằng, vì có nhiều sự lựa chọn chứ không giống như ngày trước…”, chị Ngọc Hà cho hay.
Treo bảng cho thuê mặt bằng cả tháng cũng không ai hỏi thăm (Ảnh: Đại Việt)

Anh Huy Phát, chủ một căn nhà trong khu Phan Xích Long (P.2, Q.Phú Nhuận, TPHCM) cũng than thở khi căn nhà mặt tiền của mình treo bảng cho thuê cả tháng vẫn không ai hỏi thăm.

"Kinh doanh bết bát vì thị trường quá khó khăn. Người thuê trước bỏ chạy khi thuê mặt bằng chưa tới 2 tháng. Giờ đây, tôi lại treo bảng, giảm giá, giữ giá ổn định nhưng vẫn không có ai tới thuê nữa", anh Phát buồn rầu nói.

Theo Cục thống kê TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó dịch vụ lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu tích cực đến từ doanh thu hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ.

Báo cáo của CBRE cho biết, trong quý 2/2020 không có thêm nguồn cung mới nào (vẫn duy trì tổng diện tích cho thuê ở mức 1.370.814 m2 diện tích sàn hữu dụng), phần diện tích thuê mới từ năm 2019 và quý 1/2020 chưa được thị trường hấp thụ hết.

Các toà nhà hạng A chịu ảnh hưởng nhiều hơn các toà nhà hạng B. Giá thuê trung bình của các tòa nhà hạng A là 44,4 USD/m2/tháng, giảm 4,9% và tỷ lệ trống tăng 9 đpt so năm trước, đạt 11,8%.

Theo CBRE, khách thuê đang có xu hướng thu hẹp mặt bằng ở tòa nhà hiện tại để chuyển sang các tòa nhà phân khúc thấp hơn. Bên cạnh đó, người đi thuê cũng sẽ ưu tiên chọn vị trí ở rìa trung tâm hoặc ngoại vi thành phố để tiết kiệm chi phí.
Người thuê trước bỏ chạy khi thuê mặt bằng chưa tới 2 tháng (Ảnh: Đại Việt)

Theo JLL Việt Nam, chính sách “giãn cách xã hội” trong ba tuần đầu tiên của tháng 4 đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời tất cả các trung tâm thương mại tại TPHCM. Sau giai đoạn này, hầu hết các trung tâm thương mại bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên, với nhiều diện tích trống hơn, đặc biệt ở các trung tâm thương mại tại các quận rìa trung tâm do tâm lý thuê yếu vẫn tiếp tục.

“Tỷ lệ trống trung bình ở TPHCM tăng lên mức 30% trong quý 2. Những khách thuê diện tích lớn bao gồm: trò chơi & giải trí, chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng & dịch vụ này…”, JLL cho hay.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí