Không chỉ phí bảo trì, phí quản lý cũng là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh các tranh chấp tại chung cư hiện nay.
Chung cư Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) đang xảy ra tranh chấp
|
Theo Thông tư 02/2016 quy định quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở.
Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, các vụ tranh chấp có liên quan tới mức phí quản lý trong các tòa nhà chung cư vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí cả với những chung cư còn chưa đi vào sử dụng.
Chẳng hạn, tại Chung cư Mipec Riverside (quận Long Biên, Hà Nội), cư dân tại đây căng băng rôn phản đối mức phí trông giữ xe ô tô theo giờ 4.000 đồng/giờ, 1,8 triệu đồng/tháng và phí dịch vụ 10.000 đồng/m2.
Trước đó ít lâu, cư dân Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng phản ứng việc chủ đầu tư tòa nhà đã tự ý tăng phí trông giữ ô tô từ 900.000 đồng lên 1,2 triệu đồng/tháng khi chưa lấy ý kiến người dân và việc tranh chấp quyền sở hữu tầng hầm để xe giữa hai bên chưa được giải quyết. Ngoài ra, cư dân còn bức xúc với mức phí dịch vụ truy thu lên tới 6.500 đồng/m2 để chi trả cho các hoạt động liên quan đến tòa nhà, trong khi thực tế dịch vụ mà họ hưởng không tương xứng.
Không chỉ tại các dự án của chủ đầu tư trong nước, tranh chấp về mức phí quản lý cũng xảy ra tại nhiều dự án chung cư cao cấp do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Trước đó, vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý với cư dân Chung cư Keangnam Hanoi và mới đây nhất là tại Chung cư Mulberry Lane (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) do CapitaLand (Singapore) làm chủ đầu tư. Theo cư dân tại đây, dù phải đóng tới 11.000 đồng/m2 và tòa nhà có lượng người ra vào lớn, nhưng 2 ngày mới được đơn vị quản lý lau sàn hành lang một lần. Chưa kể, tòa nhà cũng không hề có camera an ninh.
Bên cạnh đó, dù phải nộp tới 1,2 triệu đồng/tháng cho tiền đỗ xe, nhưng tầng hầm tại chung cư này không có người trông giữ, khiến một số ô tô đỗ trong hầm tòa nhà bị bẻ gương, va chạm gây móp, xước… Khi cư dân phản hồi tới Ban quản lý thì chỉ được trả lời, họ chỉ cho thuê chỗ để xe với mức 1,2 triệu đồng/ôtô/tháng và không có nghĩa vụ trông giữ. Các cư dân phải chịu mọi hư hỏng, mất mát xảy ra.
Theo chia sẻ của bà Trần Minh Ái, Giám đốc Bộ phận Quản lý bất động sản Savills TP.HCM, quản lý bất động sản là một chu trình khép kín để vận hành một tòa nhà, bao gồm quản lý hệ thống và nhân sự, điều hành, hoạch định tài chính, bảo trì và quản trị rủi ro quảng cáo, tiếp thị bán, cho thuê...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, do thói quen kinh doanh và mức độ phát triển của thị trường, các đơn vị quản lý bất động sản chủ yếu cung cấp dịch vụ tiện ích, bảo trì, vệ sinh, an ninh cho các chung cư, khu đô thị mới, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Thậm chí, nhiều đơn vị dù được cấp phép nghiệp vụ quản lý, nhưng thực tế lại không cung cấp dịch vụ quản lý, gây bức xúc và tạo hiệu ứng không tốt với người dân với nghiệp vụ quản lý nhà chung cư.
Đồng quan điểm, giám đốc một công ty quản lý tòa nhà chung cư lớn có trụ sở tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, việc tranh chấp về phí quản lý tại các tòa nhà chung cư không mới. Bản thân việc vận hành chung cư ở mỗi dự án sẽ có một đặc điểm riêng, nên việc thu phí quản lý cũng khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề đối với cư dân không phải ở việc phí quản lý thấp hay cao, mà là ở sự minh bạch trong chi tiêu của đơn vị quản lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản