Tranh cãi quanh chuyện người giàu, người nghèo ở chung

Cập nhật 22/03/2014 09:16

 Khoản 3, điều 19 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là nội dung được tranh luận sôi nổi tại hội thảo lấy ý kiến do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức  sáng hôm nay 21-3.


Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) qui định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Mạnh Tùng

Điều khoản này quy định: “Đối với các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì bắt buộc các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án để xây dựng  nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ”.

Ông Tạ Đức Thanh, Trưởng phòng Đất đai – Môi trường, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới Nam thành phố, đề nghị cần phải điều chỉnh điều khoản này cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo ông Thanh, luật nên cho các chủ đầu tư có thể lựa chọn việc đóng góp bằng tiền, không nhất thiết phải đóng góp bằng diện tích đất. Ông Thanh cho rằng, việc quy định như khoản 3, điều 19 sẽ làm “khó” doanh nghiệp.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, có ý kiến ngược lại. Ông phân tích nhà nước phải quy hoạch trong một diện tích đất nhất định phải xác định bao nhiêu diện tích dành cho chủ đầu tư xây dựng, phần còn lại để làm việc khác, nhưng từ trước đến nay chúng ta đã làm ngược qui trình. “Chúng ta để chủ đầu tư mua quyền sử dụng đất, bây giờ nhà nước tay trắng lại ra lệnh để lại 20% phần đất, anh thấy có vô duyên không? Bây giờ doanh nghiệp lại nộp tiền, lại vô duyên hơn nữa”, ông Trần Du Lịch đối thoại với ông Tạ Đức Thanh.

Chưa thấy thuyết phục, ông Thanh nói thêm:“Tôi ví dụ, có một dự án nhà khoảng 1.000 đô la Mỹ/ mét vuông,  trong đó nhà ở xã hội chỉ 14 triệu đồng/ mét vuông, chỉ riêng chi phí bảo vệ đã khác rồi. Người ở nhà ở xã hội chỉ có thể đóng 500.000 đồng/căn hộ/tháng, nhưng người ở nhà thương mại có thể chấp nhận đóng gấp nhiều lần con số đó để được bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

Ông Lịch phân tích thêm: “Ngày nay, không có nước nào lại đi xây một khu nhà ở thương mại riêng, một khu nhà ở xã hội riêng. Tất cả các hạ tầng là phải chung, chỉ khác nhau là diện tích căn hộ, điều kiện nội thất”. Theo ông, không nên có sự phân biệt về các điều kiện phúc lợi giữa các chung cư, chúng ta làm luật là hướng tới sự phổ biến, số đông. Ông Trần Du Lịch còn nêu ví dụ về những khu đô thị tại Kuala Lumpur, Maylaysia chỉ rộng 100 - 200 héc ta nhưng có ba thành phần giàu, trung bình và nghèo cùng ở nhưng không hề có mâu thuẫn với nhau.

Tại buổi hội thảo trên, đại diện của các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tư pháp, UBND huyện Bình Chánh, Hội Kiến trúc sư TPHCM… cũng nêu những băn khoăn và những góp ý về các qui định liên quan đến thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, quyền và trách nhiệm của ban quản trị chung cư, quản lý nhà ở trong khu phố cổ.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG