"Trắng" trường tại các khu tái định cư và đô thị mới

Cập nhật 12/08/2009 16:05

Nhiều khu đô thị hiện đại nhưng vẫn thiếu trường học.

Năm học mới sắp bắt đầu. Nỗi lo cho con em vào trường không chỉ đến với những gia đình trong nội thành Hà Nội. Hầu hết các em trong độ tuổi đến trường ở các khu tái định cư, khu đô thị mới của Hà Nội đều phải tùy nghi lo chỗ học sau cuộc "chạy trường" nhọc nhằn của cha mẹ.

Kết cục không mong muốn đó bắt nguồn từ chỗ, các khu tái định cư, khu đô thị mới không quy hoạch trường, quy hoạch nhưng chưa đủ quỹ đất hoặc chờ… xây trường cho con em vào học.

Một năm xây nhà, mười năm chờ trường

Từ Liêm là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội. Toàn huyện có trên 15 khu đô thị lớn với hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự, nhà vườn. Nhưng đến nay, sau nhiều năm xây dựng, bán nhà, bán căn hộ thu hút hàng vạn người dân, mới chỉ có Khu đô thị Mỹ Đình II được bàn giao cho thành phố quản lý. Đây cũng là khu đô thị có nhiều trường học được người dân quan tâm nhất, từ bậc nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học… đến THPT.

Nhưng đó đều là trường dân lập, không có bóng dáng của trường công lập. Vẫn biết, theo chủ trương xã hội hóa trường học thì trường nào cũng được, nhưng với mức phí cao ngất, không phải gia đình nào trong khu đô thị cũng đủ khả năng cho con vào trường dân lập.

Vấn đề không chỉ có thế. Hơn 15 khu đô thị thuộc khu vực này cho đến nay, khi nhìn lại đều chưa thấy trường hoặc có thì tuỳ cho dân lập, rất ít chỗ học. Ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm liệt kê một loạt khu đô thị: Khu đô thị Mễ Trì Hạ, đô thị Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, đô thị Sông Đà, the Manor… tất cả đã nhiều năm xây dựng đến nay chưa bàn giao.

Vào Khu đô thị Mễ Trì Hạ nằm ngay bên đường Phạm Hùng với hàng trăm căn hộ tái định cư, chung cư cao tầng và nhà biệt thự, nhưng không thấy bóng dáng ngôi trường nào.

Anh Huy, chủ nhân một căn hộ nói: "Tôi vừa có con, vừa có cháu đi học nhưng nhiều năm qua vẫn phải chạy đi học nhờ trong làng, hoặc lên tận Cầu Giấy vì tại đây không có trường". Cách một con đường, Khu đô thị Sông Đà hiện đại, đã thu hút hàng vạn người dân đến ở nhưng đến nay vẫn chưa có trường.

Qua tìm hiểu, người dân sống trong khu vực này hiện vẫn đưa con cháu đến Trường Dân lập Lômônôxốp thuộc xã Mễ Trì, từ bậc mẫu giáo, tiểu học, đến THCS tá túc trong những ngôi nhà cấp bốn. Đã có nhà trẻ tư thục hình thành, nhưng số lượng các cháu thu hút rất ít. Các khu tái định cư hiện cũng thiếu trường. Điển hình là khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, khu tái định cư Trung Yên bên đường Phạm Hùng đều trong bối cảnh như vậy.

Thắt chặt tiêu chí trường học khi duyệt cấp phép xây dựng khu đô thị


Nguyên nhân thiếu trường học tại Thủ đô có lý do từ sự gia tăng dân số cơ học (người dân từ tỉnh ngoài di chuyển về Hà Nội), nhưng tình trạng thiếu trường học tại các khu tái định cư, khu đô thị mới rõ ràng thuộc về chủ quan nhà quy hoạch, nhà quản lý.

Trước đây, mỗi khi nói đến quá tải trường học, các nhà quản lý hay đổ lỗi do thiếu đất xây trường, nhưng lý do này không còn phù hợp bởi các khu đô thị và khu tái định cư đều mới được hình thành trên những vùng đất mới rộng rãi.

Có một điều cần làm sáng tỏ, là tất cả các dự án phát triển đô thị khi được duyệt đều có tiêu chí dịch vụ đô thị cơ bản, bao gồm hạ tầng giáo dục, y tế, trong đó có hệ thống trường đủ các cấp học phục vụ dân cư. Nhưng khi thực hiện, vì mục tiêu lợi nhuận, các chủ đầu tư đã coi trọng diện tích xây nhà để bán mà coi nhẹ quỹ đất xây trường cũng như cơ sở y tế.

Một nguyên nhân khác, là hầu hết các dự án đô thị do các chủ đầu tư đề xuất quy mô, thiết kế đô thị… nên việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa khu đô thị này với khu đô thị khác hay khu dân cư liền kề khó khăn, nảy sinh sự không đồng bộ, trong đó có vấn đề trường học.

Dưới góc độ quản lý đô thị, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết: Việc chậm bàn giao các khu đô thị đã ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý, trong đó rất khó thực hiện quyền giám sát chủ đầu tư có làm đúng tiến độ xây trường trong khu đô thị như đã cam kết hay không.

Ông Tuấn đưa ra một ví dụ nghe rất bất hợp lý, rằng tại các tuyến xã, thị trấn của huyện Từ Liêm, dù rất khó khăn nhưng đều đã bố trí đủ trường ở các cấp học cho học sinh. Trái lại, tại các khu đô thị, khu tái định cư với nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đô thị đồng bộ, hiện đại vậy mà vẫn để tình trạng thiếu trường học (?!).

Ông Tuấn kiến nghị: Để tình trạng tương tự không xảy ra, thành phố nên buộc các chủ đầu tư phải xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nói chung, các hạng mục trường học, cơ sở y tế… mới cho tiếp tục đầu tư. Thay vì cho bán nền, bán nhà sau khi hoàn thành phần móng công trình, thì nay phải thắt chặt tiêu chí nêu trên mới tạo nên bộ mặt đô thị mới hoàn chỉnh. Một cơ chế giám sát việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, kể cả khu tái định cư cũng cần hoàn thiện, thay vì mới "phát" mà chưa "động" như hiện nay.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị cơ bản quy định: Đối với trường mẫu giáo, chỉ tiêu tối thiểu là 50 chỗ/1.000 người (diện tích cho mỗi chỗ tối thiểu là 15m2); trường tiểu học là 65 chỗ/1.000 người; trường THCS là 55 chỗ/1.000 người; trường THPT là 40 chỗ/1.000 người.


DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân