Ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) 560 hộ chỉ có khoảng 10 hộ được cấp sổ đỏ, trong khi có những hộ đã có quyết định của huyện đề nghị cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng UBND xã vẫn không chịu. Chuyện “cái sổ đỏ” còn khiến cho hơn 70 nóc nhà không có điện dùng…
Tháng 8/2003 Chính phủ có Quyết định số 97/2003/NĐ - CP thành lập huyện Trảng Bom, tách ra từ huyện Thống Nhất bao gồm 16 xã và thị trấn Trảng Bom. Nhưng những bất cập liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đất đai nảy sinh kể từ khi xã Bắc Sơn xuất hiện một số KCN.
Từ chuyện lấn bấn đền bù
Ông Đoàn Văn Thân, 76 tuổi cho biết: Năm 2001, gia đình ông bị lấy 72 mét mặt đường để quy hoạch làm KCN Sông Mây với số tiền đền bù là 242 triệu. Theo quyết định và lời hứa từ huyện để bù lại 72 mét mặt đường ông sẽ được phát 2 lô mặt tiền trong khu tái định cư mới.
Nhưng trong năm đó chủ tịch UBND (huyện Thống Nhất cũ) theo Quyết định 1835/QĐ.CT.UBT (ký ngày 12/10/2001) chỉ đền bù cho ông 2 lô 2 (chỉ bằng một lô mặt tiền). Chị Hương, con gái của ông Thân nói: "Hội đồng đền bù bảo tôi cứ nhận đi rồi sẽ đền bù hai lô mặt tiền. Nhưng đã 6 năm... vẫn bặt vô âm tín".
Người dân còn vấp phải chuyện CNQSDĐ. Đến nay xóm có 560 hộ dân nhưng cũng chỉ 10 hộ được cấp CNQSDĐ. Điều làm người dân bức xúc chính là sự không minh bạch của UBND xã trong việc này.
Năm 1999 vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành có đề nghị xã xác nhận đất để sang nhượng lại cho ông Lê Cảnh Hoài nhưng xã nhất quyết không chịu với lí do "đất không rõ nguồn gốc". Vậy mà mảnh đất mà ông Hoài mua lại của vợ chồng ông khi bán lại cho ông Nghiêm Văn Hằng lại được cán bộ địa chính là ông Nguyễn Văn Thành chứng nhận. Nực cười hơn là mảnh đất của vợ chồng ông lại được chính UBND huyện Thống Nhất ra quyết định đề nghị xã công nhận quyền sử dụng ngày 18/9/2003.
Đến chuyện... “tắt điện”
Cũng chỉ vì chuyện cái sổ đỏ mà tổ 2 của ấp Sông Mây có hơn 70 nóc nhà không được dùng điện theo giá nhà nước. Cách đây 2 năm (2005), đã có 33 hộ ở xung quanh trường tiểu học Sông Mây đã phải sử dụng điện nhờ nhà trường nhưng... nguy cơ mất điện của 33 hộ này cũng đang bị đe dọa. Gần 40 hộ còn lại phải câu qua một hộ tư nhân với giá "ngất trời" 5.000 - 6.000 đồng/kwh.
Chúng tôi đã tìm về UBND xã Bắc Sơn, nhưng liên hệ mãi mới được ông Mai Trọng Huấn - cán bộ văn phòng, ông Nguyễn Quang Trung - cán bộ tư pháp xã Bắc Sơn tiếp. Khi được hỏi về vấn đề CNQSDĐ hai ông đều khẳng định những hộ đủ tiêu chuẩn xã đều được cấp sổ đỏ đầy đủ. Còn những hộ chưa được cấp là do đất lấn chiếm, giấy tờ không rõ ràng hoặc đất đang trong diện quy hoạch. Nhưng khi hỏi về những trường hợp có quyết định đề nghị cấp CNQSDĐ của huyện mà vẫn chưa được xã phê duyệt thì hai ông cho rằng đây không phải phạm vi chuyên môn nên... không biết. Ông Trung cho biết: phải hỏi trực tiếp chủ tịch...
Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tấn - Phó Chánh văn phòng huyện lại khẳng định ngược lại: "đa số là đất của dân tự khai hoang, phục hóa, cũng có đất lấn chiếm của lâm trường nhưng số đó ít”. Theo ông Tấn, đối với đất nằm trong diện quy hoạch không xảy ra tranh chấp vẫn được cấp CNQSDĐ nhưng có thêm chữ "trong diện quy hoạch". Vì vậy, nếu đã có quyết định của huyện mà xã vẫn không cấp sổ đỏ là "xã làm sai".
Ông Tấn cũng khẳng định huyện chưa hề nhận được đơn đề nghị nào từ phía xã cũng như phản ánh của UBND xã Bắc Sơn về việc sử dụng điện của hơn 70 hộ dân. Theo ông Tấn, muốn sử dụng điện thì dân phải xin xã lập trạm điện hạ thế và như vậy người dân phải có một số yêu cầu bắt buộc trong đó có giấy CNQSDĐ. Nhưng khi hỏi trong thời gian bao lâu người dân được dùng điện nhà nước thì ông Tấn trả lời: "Còn phải tùy thuộc vào tình hình".
Ông Huỳnh Dũng Tiến - PGĐ Điện lực Thống Nhất - đơn vị trực tiếp "bán" điện cho ấp Sông Mây cho biết: Chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận các hộ dân sinh sống tại khu vực đó, có nhà ở hợp pháp thì điện lực sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên khi được hỏi về 70 hộ trên thì ông Tiến cho rằng ông không rõ lắm!
Vậy là các cơ quan chức năng tiếp tục đùn đẩy và nỗi khổ vẫn chỉ người dân gánh chịu.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp