Thực tế tư vấn pháp lý cho người dân về đất đai cho thấy, có trường hợp chính quyền địa phương không công khai danh sách người được cấp sổ đỏ để “vòi vĩnh”, ép thông qua “cò” mới trả sổ đỏ. Người dân cho biết, “có trường hợp làm sổ đỏ lúc đầu đòi 60 triệu, nhưng sau “hạ” còn 6 triệu để được làm nhanh”
Có vị Chủ tịch huyện từng khẳng định “không còn khiếu kiện kéo dài về đất đai".Nhưng trên thực tế, tham nhũng để “lấy tiền của dân” qua thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn phổ biến. Phải trang bị kỹ năng gì để người dân phát hiện và đối phó với nạn tham nhũng này?
Hội thảo “Tổng kết thực hiện dự án trao quyền pháp lý cho người nghèo năm 2014” do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức sáng 15/12. Nhiều thông tin qua khảo sát của các trung tâm tư vấn pháp lý thuộc các Tỉnh, Thành hội Luật gia trên cả nước khẳng định, người dân cần được tư vấn pháp lý để tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng liên quan đến đất đai trước tình trạng tham nhũng “vặt” nhờ lợi dụng thủ tục hành chính.
Không qua “cò”, sổ đỏ bị “ngâm tôm”
Khảo sát thực trạng quản lý và sử dụng đất đai ở Đồng Nai, ông Vòng Khiềng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia (HLG) Đồng Nai cho rằng có tình trạng tham nhũng vặt ở cơ sở trong việc cấp sổ đỏ khá phổ biến. Thực trạng trên khiến nhiều địa phương thiếu nhiệt tình hợp tác với Trung tâm Tư vấn pháp luật để tổ chức tư vấn cho dân.
Thực tế tư vấn pháp lý cho người dân về đất đai cho thấy, có trường hợp chính quyền địa phương không công khai danh sách người được cấp sổ đỏ để “vòi vĩnh”, ép thông qua “cò” mới trả sổ đỏ. Người dân cho biết, “có trường hợp làm sổ đỏ lúc đầu đòi 60 triệu, nhưng sau “hạ” còn 6 triệu để được làm nhanh”. Khi cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật của HLG Đồng Nai làm việc ở huyện, xã về vấn đề cấp sổ đỏ thì được khẳng định “đã cấp gần xong”, nhưng vẫn có đến 30 hộ nông dân chưa được cấp dù đã nộp hồ sơ từ năm 2000. Có hộ còn bị thu giấy biên nhận mà không có bất kỳ văn bản nào, có 1.218 sổ đỏ đã được ký từ năm 2012, 2013 nhưng đến nay chưa giao cho người dân… Trong khi người dân thắc mắc, băn khoăn về quyền lợi thì cán bộ địa chính lại không đến đối thoại với dân.
Bên cạnh đó, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có thu hồi đất luôn trở thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai, mà nguyên nhân chính là chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất chưa đúng theo qui trình, công khai, minh bạch…
Khảo sát tình hình thu hồi đất, đền bù dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến tháng 6/2014, hầu hết trong số 2.406 hộ bị thu hồi đất tại huyện Tuy Phong và Bắc Bình có khiếu nại về giá bồi thường, về diện tích bồi thường thiếu so với khi kiểm kê tài sản, đề nghị bố trí tái định cư…
Dân không hiểu pháp luật nên ỷ vào chính quyền
Có địa phương như ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng), người dân chưa tự giác làm thủ tục đăng ký, ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của chính quyền và thậm chí không đến nhận sổ đỏ mà đợi cán bộ tới giao tận nhà. Một phần nguyên nhân là do tuy lệ phí trước bạ được miễn nhưng phí đo đạc trích lục bản đồ địa chính vẫn là số tiền “khổng lồ” với đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở huyện Đam Rông. “Đây là vướng mắc lớn nhất, vượt khả năng của người dân trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ nên cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính để các hộ nghèo có điều kiện được cấp sổ đỏ nhằm ổn định cuộc sống” – ông Huỳnh Xuân Phong, Phó Chủ tịch HLG tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.
Ảnh minh hoạ
|