Để có hoa hồng cao, nhiều môi giới sẵn sàng “treo đầu dê, bán thịt chó” để chèo kéo khách hàng rót tiền, giao dịch xong thì coi như hết trách nhiệm.
Một ngày cận Tết Nguyên đán năm 2017, anh Nguyễn Xuân T (ngụ Q.Thủ Đức, Tp.HCM quyết định bán một miếng đất do bố mẹ để lại để có tiền làm ăn. Có vốn trong tay, anh T không muốn gửi ngân hàng mà quyết định đi đầu tư BĐS.
Qua một người quen giới thiệu, anh T được tiếp xúc với một môi giới có kinh nghiệm lâu năm trong nghề tên Xuân. Người này hướng dẫn anh T rằng với tài chính khoảng 3 tỷ thì nên đi đầu tư căn hộ chung cư để an toàn về lâu dài. Anh T cũng cho biết mặc dù mức lợi nhuận đầu tư chung cư không cao như đất nền nhưng anh T vừa có thể cho thuê hoặc sử dụng nếu muốn.
Tin tưởng Xuân, anh T quyết định đem 3 tỷ đầu tư 2 căn hộ tại một dự án mới mở bán ở Q.8. Khi anh T hỏi cụ thể về pháp lý của dự án đã ổn chưa, Xuân trưng cho khách một loạt các giấy tờ đã được chính quyền đóng dấu và hứa chắc như đinh đóng cột rằng dự án nhất định sẽ xây đúng như tiến độ và giao nhà đúng hẹn để anh T kiếm lời.
“Anh cứ nghe em mua đi, em chỗ quen biết mà chẳng lẽ lại đi lừa anh. Giờ anh cứ mua, 1 năm rưỡi nữa xây xong thì đem bán là đã lãi 400-500 triệu/ 1 căn rồi”, anh T kể lại lời Xuân.
Tuy nhiên, sau khi mua xong thì anh T chờ mãi không thấy chủ đầu tư động tĩnh xây dựng. Thời gian đầu, dự án thi công cầm chừng phần móng rồi sau đó đứng im. Mỗi lần đi ngang anh T thấy máy móc, sắt thép nằm ngổn ngang, cỏ mọc um tùm. Quá sốt ruột, anh T tự đi tìm hiểu thì mới vỡ lẽ là dự án chưa có giấy phép xây dựng nên chủ đầu tư phải chờ hoàn thiện pháp lý.
Tìm Xuân hỏi cho ra lẽ thì Xuân chỉ cười trừ nói mình cũng giống như anh T, do không biết chuyện nên không tư vấn kịp thời. Sau nhiều lần tìm cách né trách khách hàng, cuối cùng Xuân chặn luôn số và bỏ mặc anh T tự lo liệu.
Tìm Xuân hỏi cho ra lẽ thì Xuân chỉ cười trừ nói mình cũng giống như anh T, do không biết chuyện nên không tư vấn kịp thời. Sau nhiều lần tìm cách né trách khách hàng, cuối cùng Xuân chặn luôn số và bỏ mặc anh T tự lo liệu.
Đến nay đã quá thời hạn dự kiến giao nhà nhưng dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến vợ anh T thường xuyên hậm hực. Hai vợ chồng nhiều lần lục đục đòi bỏ nhau chỉ vì anh T tin lời môi giới. Anh T cho biết, đã nhiều lần hai vợ chồng lên công ty đòi tiền, chấp nhận chịu lỗ nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được tiền.
“Họ cứ bảo chờ đến khi có giấy phép sẽ xây lại nhưng không biết đến bao giờ. Hai năm rồi, lãi chẳng thấy đâu mà tôi chỉ thấy lỗ. Bỏ ra 3 tỷ ra tưởng lãi đậm, nào ngờ ra cơ sự này. Giờ không biết có lấy lại được 1 nửa số đó hay không”, anh T bức xúc.
Không chỉ riêng trường hợp của anh T mà tại Tp.HCM hiện có hàng trăm gia đình rơi vào cảnh tương tự. Điều đáng nói là nhiều nhân viên môi giới biết rõ dự án chưa hoàn thiện pháp lý, chưa đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định pháp luật nhưng vẫn vô tư rao bán với những lời quảng cáo có cánh, hứa hẹn đủ điều khiến khách hàng cứ vô tư rót tiền.
Trong khi đó, trên thực tế số lượng nhà đầu tư hiểu biết về quy trình phát triển của một dự án BĐS là không nhiều. Theo khảo sát, đa phần khách hàng bỏ qua yếu tố pháp lý mà chỉ tìm hiểu thông tin qua mạng. Nhiều người thấy dự án được quảng cáo rầm rộ, mời được người nổi tiếng làm đại diện, sự kiện mở bán ở khách sạn sang trọng thì tin tưởng rằng chủ đầu tư sẽ uy tín nên không mảy may quan tâm đến các thủ tục giấy tờ phức tạp.
Do đó, khi được sale hứa hẹn và ra ra về mức lợi nhuận hấp dẫn khi đầu tư, nhiều người đã không ngần ngại rót tiền. Đến khi vỡ lẽ thì đã muộn.
Trong khi đó, theo ghi nhận phần đa các nhân viên môi giới chưa quan tâm mấy đến lợi ích của khách hàng. Thậm chí, nhiều người không tìm hiểu kỹ về dự án mà mình đang bán, chủ đầu tư nói sao nghe vậy rồi vô tư truyền đạt lại cho khách hàng. Theo một chuyên gia trong nghề, lý do môi giới vẫn thờ ơ với vấn đề này là do họ không phải là người lãnh hậu quả, khi giao dịch xong xuôi thì rủi ro thuộc về nhà đầu tư.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ