Tràn lan khu đô thị sinh thái

Cập nhật 17/03/2008 08:00

Ở Long An hết "loạn" sân golf, nay xảy ra tình trạng “bội thực” khu đô thị sinh thái khiến nông dân địa phương đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì mất đất sản xuất

Theo báo cáo chính thức của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An, tỉnh này đang triển khai 9 dự án khu đô thị sinh thái (KĐTST) rộng 2.215 ha trên địa bàn 4 huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Giuộc và Cần Đước.

Chiếm hết đất nông nghiệp

Huyện Cần Giuộc đứng đầu danh sách, với 962 ha gồm KĐTST liên xã Long Hậu - Phước Lại, rộng 462 ha; KĐTST liên xã Tân Tập - Phước Vĩnh Đông - Phước Lại, rộng 200 ha và một KĐTST nằm trọn trên địa bàn xã Long Hậu rộng 300 ha. Như vậy, xã Long Hậu không còn diện tích đất nông nghiệp. Trước đó, Long Hậu còn là xã đứng đầu danh sách về sân golf khi có tới 5 dự án.

Các KĐTST còn lại gồm huyện Thủ Thừa: hai dự án, gồm một dự án tại xã Mỹ Phú rộng 297 ha và một dự án ở xã Mỹ An rộng 295 ha. Huyện Cần Đước có hai dự án, gồm một nằm trên địa bàn liên xã Long Định - Long Cang rộng 53 ha và một ở xã Long Trạch rộng 143 ha. Huyện Bến Lức có một dự án nằm trên địa bàn xã An Thạnh rộng 365 ha.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn nhiều dự án KĐTST khác có quy mô lớn nhưng không đưa vào danh mục chính thức. Các cơ quan quản lý cho biết đó là dự án của những nhà đầu tư khu công nghiệp xin bổ sung quy hoạch.

Trong số này có một dự án KĐTST lớn nhất khu vực ĐBSCL, có tên là Sài Gòn - Mê Kông với 2.565 ha trải rộng trên địa bàn hai xã Thạnh Lợi (Bến Lức) và Bình Hòa Nam (Đức Huệ). Kế đến là dự án Ita Paradise triển khai tại hai xã Bình An và Mỹ Thạnh (Thủ Thừa), rộng 714 ha; dự án KĐTST vùng Đồng Tháp Mười ở thị trấn Vĩnh Hưng và xã Vĩnh Bình (Vĩnh Hưng), rộng 210 ha; dự án dọc theo đường cao tốc Tân An - Tân Sơn Nhất rộng 500 ha... Tính ra, tỉnh Long An hiện có tới 12 dự án KĐTST, chiếm tới 5.844 ha. Đó là chưa kể hàng chục dự án khu đô thị không phải là sinh thái đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh này.

Nông dân phản ứng

Tình trạng lập dự án KĐTST tràn lan đã khiến nông dân địa phương không còn đất sản xuất, đành thất nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ xã Bình Hòa Nam, nói: “Những năm gần đây, cuộc sống của người dân quê tôi được cải thiện đáng kể nhờ vào cây chanh và cây ớt. Nhiều người trở thành tỉ phú nhờ hai loại cây trồng này. Giờ đây, dự án KĐTST Sài Gòn - Mê Kông chiếm toàn bộ diện tích đất trồng, nông dân hai xã Bình Hòa Nam và Thạnh Lợi sẽ làm gì để sống sau khi vào khu tái định cư”.

Anh Nguyễn Văn Phai, một người dân địa phương, bức xúc: “Khi KĐTST này hình thành thì vùng chuyên canh chanh sẽ không còn. Nông dân sẽ thất nghiệp nhiều nên đa số họ đều không ủng hộ việc triển khai dự án”.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Thạnh Lợi thì cho rằng nếu biến vùng chuyên canh chanh ở hai xã Bình Hòa Nam và Thạnh Lợi thành khu du lịch sinh thái thì vẹn cả đôi đường. Vì như vậy, người dân vừa không mất đất sản xuất, vừa có cơ hội tăng thêm thu nhập từ hoạt động du lịch mang lại.

Khi chúng tôi hỏi về KĐTST sắp được triển khai tại hai xã Mỹ Phú và Mỹ An (Thủ Thừa), không một nông dân nào trong vùng dự án mong muốn điều đó xảy ra. Anh Nguyễn Văn Út, ở xã Mỹ Phú, nói: “Quê tôi là vùng lúa cao sản, một năm có 3 vụ ăn chắc. Một mai KĐTST ra đời thì nông dân tụi tôi làm gì để sống trong căn “nhà hộp” ở khu tái định cư. Tôi cho rằng đó là kiểu quy hoạch làm khổ dân”.

Lập dự án để thâu tóm đất?

Một cán bộ ở huyện Cần Giuộc bộc bạch: Dự án KĐTST hay các dự án sân golf đều chung một mục đích thâu tóm đất đai. Bởi chỉ có hai loại hình này nhà đầu tư mới được cơ quan thẩm quyền duyệt giao nhiều đất mà không cần phải rót tiền vội. Nếu không quản lý tốt, các nhà đầu tư có thể trở thành những địa chủ mới, còn nông dân trong vùng dự án trở thành những người làm thuê. Rối loạn xã hội ở nông thôn là điều có thể thấy trước vì tình trạng bội thực KĐTST.


Theo Người Lao Động