Để chuẩn bị xử lý nhà vi phạm quy định xây dựng tạm thời trong khu phố cổ Hà Nội, UBND TP đã thành lập tổ công tác gồm các ngành chức năng để rà soát, kiểm tra, lập hồ sơ phạt đối với các công trình vi phạm.
Khách sạn cao sừng sững trên phố cổ Hàng Than - Ảnh: L.Hoài |
Theo điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội, đối với các công trình tiếp giáp mặt phố không được xây quá ba tầng, chiều cao không vượt quá 12m và phải lợp ngói ta. Các công trình ở vị trí kế tiếp phía bên trong được xây quá bốn tầng và cao tối đa không quá 16m.
Nhà cao tầng “ép” phố cổ
Thực tế hiện nay hầu hết mặt tiền của các tuyến phố cổ đều xuất hiện một số nhà cao hơn bốn tầng, thậm chí có tới sáu, bảy tầng. Những cao ốc sừng sững thi nhau mọc lên, mỗi nơi một kiểu, như muốn “chèn ép” không gian cổ kính của phố cổ.
Tại ngã tư phố Hàng Gà - Hàng Vải, một tòa nhà cao năm tầng đang xây dang dở nằm đối diện chùa Thái Cam cổ kính ở phía bên kia đường. Cách đấy hơn mười nhà, một cao ốc đang xây tới tầng 6 nhưng dường như vẫn chưa chịu dừng. Ở phố Ngõ Gạch, cách đình Thanh Hà chưa đầy chục mét, một “đại công trường” xây tòa nhà khổng lồ đang hoạt động. Theo người dân xung quanh, đó là một khách sạn. Tại ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc, một ngôi nhà siêu mỏng nằm giữa dãy nhà cổ - là nơi đang bảo tồn nghề làm tôn, hòm truyền thống.
Trên nhiều tuyến phố cổ khác, hàng loạt khách sạn hiện đại cao sừng sững như Lucky Star, Quochoa hotel (Bát Đàn), The Moon, Platinum (Hàng Than) đã được “mọc” lên từ lúc nào giữa không gian cổ kính, rêu phong của khu phố cổ.
Kiên quyết xử lý
Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa phận 10 phường của quận Hoàn Kiếm, có 68 phố cần được bảo tồn, ranh giới được xác định bởi các tuyến phố Hàng Đậu (phía bắc), Phùng Hưng (phía tây), Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Thùng (phía nam) và Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật (phía đông). |
Chánh thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm Hoàng Dương Lai thừa nhận hiện có nhiều công trình vi phạm về trật tự xây dựng trong các khu phố cổ, chủ yếu là vi phạm về hệ số sử dụng đất, vượt chiều cao công trình và mặt đứng kiến trúc.
Theo ông Lai, khu phố cổ Hà Nội có tổng diện tích chỉ khoảng 100ha nhưng có tới hơn 200.000 cư dân đang sinh sống. Do đó, không gian sống của người dân trong phố cổ đã trở nên chật hẹp khiến nhu cầu xây dựng, cơi nới nhà ở rất lớn nhằm phục vụ, cải thiện điều kiện sinh hoạt của các gia đình và khai thác mặt bằng kinh doanh. Vì thế đã “dẫn tới ý thức chấp hành trật tự xây dựng của một bộ phận dân cư quá kém, họ tìm mọi cách xây trộm vào ngày nghỉ, ngày lễ, kể cả lén lút xây dựng vào thời điểm nửa đêm.
Nhiều đối tượng vi phạm còn dùng kiểu xây “du kích” - hôm nay xây một ít, ngày mai xây thêm một ít - nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều đối tượng còn chống đối quyết liệt khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế” - ông Lai nói.
Ông Lai còn cho biết ngoài việc xử phạt hành chính, đối với công trình xây dựng sai phép, vượt phép sẽ tiến hành dỡ bỏ phần vi phạm; công trình thuộc dạng bảo tồn mà xây dựng, cơi nới vi phạm thì sẽ yêu cầu chủ công trình phải phục hồi nguyên trạng. Còn đối với những cao ốc - chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn - đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi có quy định về quản lý phố cổ sẽ đề xuất, xin ý kiến TP để xử lý.
“Sau khi lập hồ sơ xử lý công trình vi phạm, yêu cầu phục hồi nguyên trạng, chúng tôi sẽ giao cho phường sở tại quản lý. Nếu xảy ra vi phạm tiếp theo, người đứng đầu phường đó sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Lai khẳng định.
Nỗi bức bối của dân
Theo quy định tại điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội, UBND các phường trong khu phố cổ có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, giám sát việc xây dựng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp vi phạm xây dựng trong phố cổ bắt nguồn từ sự lơ là của chính quyền địa phương.
Còn nhiều hộ dân sống trong phố cổ cho biết dù biết rõ việc xây dựng công trình vượt các quy định của UBND TP là sai phạm nhưng người dân đang quá bức bối về nơi ăn, chốn ở nên làm liều. Ông Nguyễn Đình An, ở phố Hàng Gà, phân trần: “Gia đình tôi có tới ba thế hệ, với hơn chục người đang phải sống trong một ngôi nhà chưa đầy 20m2. Nếu không cải tạo, cơi nới thêm thì không đủ diện tích để sống”.
Theo anh Hoàng Tuấn Anh - phường Hàng Bồ, việc bảo tồn phố cổ phải đi đôi với đảm bảo đời sống cho cư dân trong phố cổ. Không thể đặt việc bảo vệ cơ sở vật chất lên hàng đầu mà bỏ quên điều kiện sống của người dân. Đó mới là yếu tố chính của việc duy trì, phát triển phố cổ.
Sẽ giãn dân phố cổ
UBND quận Hoàn Kiếm đang hoàn thiện đề án giãn dân khu phố cổ giai đoạn 1 để trình TP phê duyệt. Theo đề án sẽ di chuyển khoảng 1.900 hộ dân trong phố cổ đến khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) có diện tích 12ha.
Đối tượng thuộc diện di chuyển gồm: các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở do quận quản lý, các công trình có nguy cơ sụp đổ, các khu vực cần giải phóng mặt bằng và các hộ dân trong phố cổ tự nguyện di dời. Ước tính tổng kinh phí cho di dời, tái định cư trong giai đoạn 1 là 4.000 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO