Khoảng 50 km đường nhánh bị hư hại do các xe chạy né trạm. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại trên là do đặt sai vị trí trạm cân.
Con số này gây “giật mình” cho các đại biểu trong buổi họp sơ kết 3 tháng hoạt động của trạm cân Dầu Giây (đặt tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) do Khu Quản lý Đường bộ VII- Bộ GTVT chủ trì sáng 3-7. Nguyên nhân chính khiến tỉnh Đồng Nai mất 70 tỉ đồng trong thời gian ngắn là việc đặt sai vị trí trạm cân Dầu Giây.
Quá nhiều đường để “né”
Thượng tá Võ Văn Sáng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nhận định: “Vị trí đặt trạm cân là yếu tố hàng đầu, quyết định hiệu quả hoạt động của trạm. Địa điểm đặt trạm phải hạn chế tối đa xe tải đi đường khác tránh trạm, kiểm soát được nhiều nhất lượng xe tải lưu thông. Nhưng thực tế, vị trí trạm hiện nay không phù hợp”. Theo tính toán của Công an tỉnh Đồng Nai, hiện có đến 16 tuyến đường tỉnh, đường huyện và hàng chục đường nông thôn, đường nội bộ KCN, khu dân cư mà lái xe dùng để “né” trạm cân Dầu Giây. Số tiền các cơ quan chức năng phạt xe quá tải “né” trạm lên đến gần 5 tỉ đồng, cao hơn hẳn so với 3 tỉ đồng thu được tại trạm cân Dầu Giây.
Chính vì xe quá tải “né” trạm cân Dầu Giây, chạy vào các tuyến đường nhánh khiến các tuyến đường này nhanh chóng bị băm nát. Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, bức xúc: “Sau khi trạm cân Dầu Giây hoạt động, nhiều tuyến đường nhánh ở địa phương có lượng xe tăng lên đột biến, đến hàng trăm chiếc/ngày đêm khiến mặt đường bị lún nứt, đọng nước, kết cấu nền, móng bị phá vỡ nghiêm trọng”. Theo ước tính của ông Điệp, đến nay có khoảng 50 km đường nhánh đã bị hư hại và diện tích mặt đường cần tái lập là 145.000 m2, tương đương 70 tỉ đồng.
Không thể di dời?
Theo ông Điệp, việc lập trạm cân Dầu Giây để kiểm soát xe quá tải như hiện nay chỉ mới xử lý được phần ngọn. Mục tiêu chính của trạm là phát hiện và giúp các phương tiện vận chuyển quá tải phải hạ tải để bảo vệ cầu đường, giảm thiểu tình trạng cầu đường đang bị hư hỏng nghiêm trọng như hiện nay chứ không thể “phạt rồi cho đi”. Vì thế, việc lập các trạm cân là cần thiết nhưng cần khảo sát kỹ việc đặt trạm để chọn vị trí thích hợp, tránh những hạn chế như ở trạm cân Dầu Giây. Ông Dương Danh Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, cũng đề nghị tìm vị trí khác để đặt trạm cân. “Vị trí hiện nay là không hợp lý, lẽ ra trạm phải nằm ở gần ngã ba Dầu Giây, xe tải muốn tìm đường tránh cũng không tránh được”- ông Quý nói.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Đảo, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, lại cho rằng vị trí đặt trạm cân là do lịch sử để lại nên sẽ tiếp tục duy trì vì trạm cân Dầu Giây được đầu tư 8 tỉ đồng và chỉ mới hoạt động có vài tháng. Vả lại, những sai sót của trạm cân Dầu Giây cũng đang dần được khắc phục. Cũng theo ông Đảo, các trạm cân trên cả nước (theo quy hoạch được duyệt là 27 trạm – PV) và thêm 6 trạm cân được thành lập theo yêu cầu của các địa phương, khi đi vào hoạt động sẽ giảm áp lực cho trạm cân Dầu Giây, đồng thời tạo thành tấm lưới “giăng” xe quá tải nên các xe này khó có thể lọt qua (!) Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM vẫn bảo vệ quan điểm của mình: Cần chấm dứt thí điểm trạm cân Dầu Giây và không đặt thêm trạm cân khác nếu không có biện pháp mới đồng bộ, không có các tiêu chuẩn mới phù hợp với thiết kế của các loại phương tiện. Tuy nhiên, theo ông Đảo, trạm cân là cánh tay bảo vệ cầu đường nên không thể dẹp trạm cân theo như đề xuất của đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM.
Do có quá nhiều đường tránh trạm, mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai phải bố trí 109 nhân viên liên ngành gồm: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an xã... để “bịt kín” ở các đường nhánh, không để xe quá tải tránh trạm đi vào.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động