Tình trạng chậm thực hiện quy hoạch (QH), dự án (DA) “trùm mền” trong khi đất đai bỏ hoang, người dân bị hạn chế nhiều quyền lợi đang là vấn đề gây bức xúc. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM, TP đang tồn tại khoảng 29 khu QH “treo”. Tuy nhiên, lãnh đạo sở khẳng định số liệu này chưa đầy đủ vì các UBND quận/huyện chưa gửi báo cáo tổng hợp.
“Treo” hết quyền lợi
Trong QH chung quận Gò Vấp được phê duyệt năm 1998, khu vực Ấp Doi được sử dụng làm đất cây xanh. Đến năm 2007, UBND quận Gò Vấp phê duyệt QH tỷ lệ 1/2.000. Mới đây, UBND TP tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh QH khu Ấp Doi nhằm lấy một phần diện tích phục vụ tái định cư (TĐC) cho người dân đủ điều kiện tại chỗ và các DA trọng điểm khác, đồng thời dành một phần đất để tạo nguồn vốn đầu tư cho khu vực này.
Đối với các khu vực QH treo, DA treo sở đang rà soát, chúng tôi đã có ý kiến với các sở, ngành liên quan, UBND quận/huyện chủ động giải quyết quyền lợi cho người dân theo thẩm quyền. Hiện nay TP đã có chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan để điều chỉnh Quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14-9-2010 theo hướng tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Ông NGUYỄN THANH TOÀN,Phó Giám đốc Sở QHKT TPHCM |
Song, đến nay Ấp Doi vẫn chưa có đồ án QH tỷ lệ 1/2.000. UBND quận Gò Vấp hiện đang tổ chức điều tra xã hội học khu vực này để tìm phương án thiết kế tỷ lệ 1/500 để mời gọi nhà đầu tư. Theo tìm hiểu hiểu của ĐTTC, khu Ấp Doi rộng hơn 40ha, hiện có khoảng 500 hộ dân nhưng chỉ có 48 trường hợp có giấy chủ quyền nhà đất. Do phần lớn thuộc đất nông nghiệp nên người dân không được xây nhà tạm.
Tại quận Bình Thạnh, điển hình nhất về DA “treo” là Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, thuộc phường 28 với diện tích 450ha, được UBND TP QH từ năm 1992 nhưng "án binh bất động" từ đó đến nay. Bên cạnh đó, DA mở rộng đường Nguyễn Xí thiết kế lòng đường cao hơn nền nhà, nhưng khi người dân xin sửa chữa nhà cơ quan quản lý không cho.
Một bạn đọc ở phường 22, quận Bình Thạnh phản ánh phạm vi ảnh hưởng QH treo 180ha ở phường 22 gần 20 năm qua đã khiến hơn 2.000 căn nhà chưa có chủ quyền và treo mọi quyền lợi, thậm chí cha mẹ chia nhà đất cho con cái cũng không được tách thửa theo quy định. Sống trong QH treo, những ai có nhu cầu xây cất phải mất 40-50 triệu đồng cho “cò” xây dựng để căn nhà tồn tại, nếu không sẽ bị đập bỏ.
Quận 8 hiện có nhiều DA được phê duyệt từ lâu nhưng cũng chỉ mới thực hiện trên giấy như: Khu TĐC và Công viên Văn hóa phía Bắc đường Tạ Quang Bửu (phường 4), khu D-E Phú Mỹ Hưng (phường 7), QH các công viên cây xanh dọc kênh Đôi - đường Phạm Thế Hiển…
Tương tự, huyện Nhà Bè lập “kỷ lục” với 70 DA treo, trong đó chủ yếu là DA kinh doanh đã được chấp thuận địa điểm và có quyết định thu hồi giao đất từ nhiều năm trước, với tổng diện tích hơn 1.400ha, nhưng hầu hết đều “dậm chân tại chỗ”.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT TPHCM, nói: “Các đồ án QH lâu nay chưa nêu rõ thời gian, kế hoạch, nguồn lực thực hiện… Vì vậy, người dân cảm thấy bất an, bức xúc khi các đồ án này bộc lộ thiếu tính khả thi, chậm thực hiện QH là lẽ đương nhiên khi quyền lợi của người dân bị xâm hại".
Ông Toàn cho rằng QH đô thị mang tính dự báo, hoạch định trước sự phát triển không gian xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên cơ sở QH kinh tế - xã hội, QH ngành.
Sự bùng nổ của thị trường BĐS đang đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề QH và quản lý QH đô thị. Ảnh: CAO THĂNG
|
Đây là công việc mang tính tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực về kinh tế - văn hóa - xã hội để có định hướng phát triển đô thị bền vững và toàn diện, nhằm tạo lập môi trường sống và làm việc thích hợp cho người dân ngày càng tốt hơn. Từ đó, thực hiện QH theo từng giai đoạn trên cơ sở nguồn lực phù hợp và quản lý QH hiệu quả.
Do vậy, đối với QH chung của TP và QH chung quận/huyện được dự báo trong thời hạn từ 20-25 năm, tầm nhìn đến 50 năm. Đối với QH phân khu tỷ lệ 1/2.000, dự báo trong thời hạn từ 5-10 năm.
Song song đó, lập QH đô thị phải cần đầu tư theo chiều sâu, không chạy theo số lượng, tràn lan. Khu vực nào cần kiểm soát, quản lý thì QH kỹ lưỡng, giải pháp thực hiện khả thi và lập quy chế quản lý thích hợp. Giữa các sở, ngành và địa phương cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp để đảm bảo chất lượng từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt QH và quản lý đô thị.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “DA treo” (DA được chấp thuận đầu tư, phê duyệt QH, đã giao đất, cấp phép xây dựng), TP cũng đã giao cho Sở QHKT, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các DA đầu tư xây dựng chưa triển khai, chậm, kéo dài thời gian… để đánh giá nguyên nhân như năng lực chủ đầu tư, khó khăn vướng mắc trong đền bù giải tỏa, TĐC…
Từ đó, căn cứ vào chính sách, các quy định hiện hành để đề xuất kiến nghị UBND TP thu hồi DA hoặc cho phép đầu tư với các điều kiện ràng buộc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo một lãnh đạo của Sở Xây dựng, công tác QH thời gian qua bộc lộ một số hạn chế, kéo theo nhiều khó khăn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhất là vấn đề trật tự đô thị. Để có một đô thị đẹp, QH luôn phải đi theo kiến trúc đô thị và cảnh quan đô thị tốt.
Trong công tác QH và thực thi QH, TP chưa phân biệt giữa mô hình quản lý hành chính và mô hình quản lý QH. Khi lập QH chi tiết, chủ yếu vẫn dựa vào địa giới hành chính của từng quận, huyện để bố trí hạ tầng, phân bố dân cư đã gây ra hệ quả là các đề án QH khá manh mún, không phát triển được không gian đô thị theo các phân khu chức năng.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC