Trả giá vì đầu cơ

Cập nhật 21/11/2011 09:35

Các thị trường đầu cơ đã dợm chân đến thời điểm phải trả giá. Đến lượt mình, nền kinh tế cũng phải trả giá với tư cách một nạn nhân. Một hệ quả mà thay vì phục hồi theo chữ V thì nền kinh tế vẫn còn ì ạch ở cạnh đáy của chữ L cho tới giờ này.

Siêu lợi nhuận nhờ đầu cơ


Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi: 20 năm có ý nghĩa như thế nào đối với một thời lượng của sự phát triển? Sau phát triển, hay theo quy luật vận hành của nền kinh tế, thường là giai đoạn suy thoái. Vậy Việt Nam có tương đồng với trường hợp nước Mỹ, với chu kỳ 20 năm liên tục tăng trưởng GDP, đạt đến thời kỳ mà người ta vẫn dùng từ "Thịnh vượng" để miêu tả, để rồi sau đó rơi vào một chu kỳ điều chỉnh giảm bắt buộc?

Thực ra GDP của Việt Nam không có được tốc độ tăng trưởng ổn định như Mỹ, cũng không phải là tăng nóng như trường hợp Trung Quốc. Là một quốc gia châu Á đang phát triển, việc giữ được tỷ lệ tăng GPP qua các năm mà không phải đối phó với nạn siêu lạm phát đã là một điều may mắn cho nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta không phải được quản lý bằng những bộ óc tốt nhất.

Là nền kinh tế thị trường, hiệu quả vận hành của nó đương nhiên phụ thuộc rất mật thiết vào tình hình hoạt động của các thị trường. Cũng như các nước tư bản, trong 20 năm qua ở nước ta cũng hình thành thị trường bất động sản (BĐS) từ những năm 1993 - 1994, thị trường chứng khoán (TTCK) từ năm 2000. Thị trường vàng trở nên sôi động có lẽ cũng được tính từ cái mốc khởi sự của TTCK. Và còn cả những thị trường khác như thị trường ngoại tệ và thị trường lãi suất ngân hàng...

Hiệu quả vận hành của hầu hết các thị trường đều có vẻ "ổn thỏa" trong khoảng 15 năm qua. Theo ngữ nghĩa tiếng Việt, "ổn thỏa" mang hàm ý là có lợi nhuận. Còn xét theo tiêu chí hiệu quả của nền kinh tế tư bản phát triển, hầu hết các thị trường ở Việt Nam đều vượt xa Mỹ châu Âu về tỷ suất lơi nhuận.

Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh nhất với 7,6 lần thì giá vàng Việt Nam đã tăng gấp hàng chục lần. BĐS cũng không chịu thua kém lắm so với giá vàng, khi mặt bằng giá nhà đất nước ta đã tăng khoảng 8 lần. Trong khi đó, chứng khoán có vẻ như lép vế nhất, nhưng cho tới đầu năm 2007, chỉ số VNI cũng vượt gần 12 lần so với mốc khởi điểm vào năm 2000.

TTCK một thời thăng hoa giờ như "chết lâm sàng" (ảnh minh họa)

Tất cả nhũng tiêu chí lợi nhuận được tính bằng số lần như trên đã khiến cho bất cứ một nhà tư bản nước ngoài nào cũng phải thèm khát. Điều lạ lùng luôn khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh ngạc là trong một thị trường Việt Nam quá thiếu minh bạch về thông tin và yếu kém về quản lý, người ta lại có thể kiếm tiền rất dễ dàng - hiện tượng mà chỉ có Trung Quốc mới so sánh được.

Quả thế, thị trường BĐS vẫn được xem là một tâm điểm của tình trạng thiếu minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam. "Nền văn hóa kinh doanh rỉ tai", hay những gì tương tự, đã khiến cho thị trường này phải đứng áp chót trong bảng xếp hạng 15 nước thuộc khối châu Á - Thái Bình Dương, và cũng đội sổ trong số 56 nước được chọn xếp hạng về độ minh bạch của thị trường BĐS trên thế giới.

Tuy nhiên, dần dà các nhà đầu tư và nghiên cứu nước ngoài cũng hiểu ra một bí quyết tối quan trọng: thị trường càng thiếu minh bạch thì lại càng dễ đầu cơ. Mà đầu cơ lại là gốc rễ của tư bản, của siêu lợi nhuận. Phần lớn các thị trường mang tính đại chúng ở Việt Nam, trừ thị trường ngoại tệ thường dao động ngang và một số thị trường hàng hóa đặc thù, đã luôn đạt đến điểm mơ uớc về siêu lợi nhuận trong đầu cơ như thế.

Sẽ là "Thập kỷ mất mát" của Việt Nam?

Thế nhưng cũng không khác gì quy luật tăng trưởng - suy thoái trong đầu cơ quốc tế, sự vận hành của nền kinh tế đầu cơ ở Việt Nam cũng mang tính chu kỳ với hệ quả tất yếu phải xảy ra. 20 năm qua có lẽ đã đủ cho một chu kỳ tăng trưởng, đủ để hoạt động đầu cơ ở nước ta phải gánh chịu những hậu quả do chính nó gây ra.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 chắc chắn mới chỉ là bước dạo đầu của "Thời kỳ mất mát". Vào năm 2009, khi các TTCK và thị trường BĐS ở Việt Nam phục hồi phần nào, một số chuyên gia đã vội vã cho đó là hình dạng hồi phục chữ V của nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng thực ra đã chẳng có chữ V nào hết. Nền kinh tế phải cần đến gói kích cầu khoảng 8 tỷ USD mới gượng dậy được đôi chút. Nếu như gói kích cầu đó đủ mạnh và có đủ ý nghĩa như những người có trách nhiệm thường tuyên bố, hẳn là tình hình kinh tế hiện nay đã không đến nỗi quá bĩ cực.

Trong khi đó, "thị trường BĐS đang biến các ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế thành con tin" - một chuyên gia nhận xét (ảnh minh họa)

Trong khi GDP giảm sút một cách chắc chắn, lạm phát lại giương oai diễu võ đầy tự tin, còn tất cả các thị trường đều đổ dốc. Ngoại trừ thị trường vàng vẫn còn giữ giá cao nhưng thanh khoản lại sụt giảm đến mức báo động, ẩn dụ được dành cho thị trường BĐS và TTCK là "chết lâm sàng".

Đó là hình ảnh gì vậy? Có lẽ đúng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, lấy mốc từ năm 1991, chưa bao giờ tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta lại xấu như hiện nay. Không thể nói khác hơn là một cuộc suy thoái đang trở lại. Hoặc chính xác hơn, đây là một cuộc khủng hoảng được dạo nhịp đầu tiên của nó.

IMF đang cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào một "thập kỷ mất mát" như người Nhật đã từng bị như thế vào những năm 80 của thế kỷ trước. Còn ở Việt Nam, có lẽ chúng ta nên thận trọng hơn, tuy vẫn phải nghĩ đến "Thời kỳ mất mát", một thời kỳ mà có thể kéo dài nhiều năm. Thực tế cho đến nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo nên cơn dư chấn ở Việt Nam dài đến 4 năm. Nhưng ngay tại thời điểm này, ai cũng nhận ra rằng 4 năm chưa phải đoạn kết của bộ phim. Trong khi, 4 năm tiếp theo với tình thế khó khăn, hoặc còn lâu hơn thế, là một khả năng "trong tầm tay". Khi đó, "Thập kỷ mất mát" có thể ứng nghiệm với trường hợp Việt Nam.

Cho tới giờ, đã có thể nhận ra đường biểu diễn vận động của nền kinh tế nước ta từ giai đoạn 2006-2007 đến nay có vẻ như tuân theo hình chữ L hơn là sự phục hồi tự tin của chữ V hay chậm chạp nhưng bền vững của chữ U.

Bất chấp một số thị trường tăng trưởng lại vào năm 2009-2010, nền kinh tế vẫn đứng trước quá nhiều khó khăn về nạn lạm phát chực chờ, nợ công đã tăng vượt 50% GDP, sản xuất đình đốn ở nhiều khu vực, ít nhất 10% số doanh nghiệp chịu cảnh phá sản, thất nghiệp không chính thức trở nên một vấn nạn được tuyên bố cũng không chính thức...

Nền kinh tế phải trả giá

Một khi chủ nghĩa đầu cơ cũng phải quy hàng thì có thể hiểu là nền kinh tế đang thiếu hẳn động lực để lấy lại những gì đã mất. Thậm chí nếu không được cải tổ mạnh mẽ, nền kinh tế nước ta còn có thể mất hết những gì vừa có lại.

Do vậy, khó có thể quan niệm những năm 2009-2010 như giai đoạn phục hồi mạnh sau khủng hoảng, mà chỉ nên xem đó là thời kỳ quá độ của những khó khăn trên đà tiếp diễn. Có nghĩa là chữ L đã được hình thành cơ bản, đang kéo dài cạnh đáy của nó một cách không bằng phẳng, thậm chí cạnh đáy này còn có thể chúc xuống nếu như nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép trong những năm tới.

Một bài báo, dẫn lời một chuyên gia, đã nêu ra một so sánh mang tính ẩn dụ vừa thú vị vừa chua chát đối với bối cảnh hiện thời: "Thị trường BĐS đang biến các ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế thành con tin". Rõ như ban ngày, sau TTCK, khối tài sản khổng lồ treo giá cao ngất nhưng không bán được của đa số các doanh nghiệp nhà đất đang trở nên một ổ dung nham khủng khiếp, tiềm ẩn trong núi lửa có thể phun trào xuống khu vực đồng bằng của nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Các thị trường đầu cơ đã dợm chân đến thời điểm phải trả giá, trả giá cho mặt bằng giá hoàn toàn không tương xứng với thu nhập bình quân của người dân. Và đến lượt mình, nền kinhh tế cũng phải trả giá với tư cách một nạn nhân của các thị trường đầu cơ - một hệ quả mà thay vì phục hồi theo chữ V thì nền kinh tế vẫn còn ì ạch ở cạnh đáy của chữ L cho tới giờ này.

Sự trả giá trên phải diễn ra, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF