Đây là nhận định của đại đa số các nhà đầu tư cũng như các sàn giao dịch, các đơn vị phân phối các dự án BĐS tại Hà Nội khi mới đây, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đàm phán thành công giữa 12 nước tham gia, trong đó có sự góp mặt của Việt Nam.
Việc các nước hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP được kỳ vọng là mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường BĐS Việt Nam.
|
Việc các nước hoàn tất đàm phán hứa hẹn mang lại một luồng sinh khí mới cho các nhóm ngành như dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển, BĐS… Trong đó, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, sẽ tạo được một chu kỳ tăng trưởng mới, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp BĐS...
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay chính là dòng vốn, trong đó bao gồm các quỹ đầu tư và các khoản cho vay của ngân hàng. Bên cạnh một số ngành có khả năng thu hút vốn FDI, thì BĐS được dự báo sẽ vẫn là lĩnh vực có sức hút đầu tư lớn. Điều này được thể hiện khi thời gian qua, một lượng lớn dòng vốn chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã đổ vào Việt Nam khá nhiều để phát triển những dự án BĐS chuẩn quốc tế, các khu đô thị, khu công nghiệp...
Khi việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi quy định người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, thì nhiều nhà đầu tư ngoại đã và đang bắt đầu tăng cường chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam bằng những kế hoạch thiết kế, phát triển và sẵn sàng khởi công các dự án lớn hoặc cùng các liên doanh tìm kiếm đất phát triển dự án. Đây cũng là một trong những lợi thế giúp thị trường BĐS thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Háo hức như chờ đợi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực, việc đàm phán thành công Hiệp định TPP cũng đang được giới đầu tư BĐS quan tâm, đón nhận như một tin vui cho chiến lược kinh doanh của mình. Bởi họ tin rằng, những điều khoản về thủ tục, hồ sơ cho DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được xem là rào cản trước đây sẽ trở nên thông thoáng và dễ dàng hơn rất nhiều khi Hiệp định được ký kết và thông qua. Sự tăng tốc về nhu cầu nhà ở, bao gồm cả mua để đầu tư, đầu cơ được dự báo chỉ là vấn đề thời gian.
Là đơn vị phân phối độc quyền dự án Hanoi Landmark 51 tại phố Vạn Phúc, quận Hà Đông, ông Tạ Phúc Hải - Giám đốc sàn BĐS Hoàng Vương cho biết, việc đàm phán thành công TPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho các DN đầu tư và phân phối các dự án BĐS. Ví dụ như với dự án Hanoi Landmark 51, mặc dù mới mở bán đợt đầu nhưng đã có một lượng lớn khách hàng quan tâm tìm hiểu, nhất là sau khi có thông tin về hoàn tất việc đàm phán Hiệp định TPP thì số lượng khách hàng đăng ký đặt mua căn hộ đã tăng lên đáng kể. Hiện, chủ đầu tư đang gấp rút thi công vượt tiến độ và tiếp tục chuẩn bị mở bán các căn hộ đợt 2 với hy vọng sẽ có thanh khoản tốt cho dự án của mình…
Đàm phán Hiệp định TPP kết thúc tốt đẹp mở ra cơ hội tươi sáng cho các DN đầu tư, kinh doanh BĐS cả trong nước lẫn nước ngoài, vậy người mua nhà liệu có được lợi ích gì từ hiệp định này?
Đại diện lãnh đạo Cty Phú Quý Land cho rằng, về cơ bản, thời gian tới người dân sẽ được hưởng lợi nhiều về giá nhà, vì ngày càng có nhiều DN áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, qua đó giá thành và giá bán sẽ được giảm đáng kể. Đặc biệt, khi các hiệp định đối tác, hợp tác, trong đó có Hiệp định TPP được thông qua, làn sóng đầu tư từ nước ngoài và khách hàng ngoại vào Việt Nam sẽ có tác động tốt đến thị trường BĐS trong nước, kích thích thị trường phát triển ổn định và bền vững…
Thực tế cho thấy, dường như các nhà đầu tư BĐS nước ngoài nhanh nhạy hơn các nhà đầu tư trong nước trong việc đón đầu xu hướng và các chính sách vĩ mô, thông qua việc các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Mỹ đang ồ ạt đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Gần đây còn có các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc… cũng tấp nập tham gia vào thị trường Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực BĐS. Những DN này mang vào Việt Nam từ tư duy kinh doanh, đến thiết kế, kiến trúc, công nghệ, vật liệu… hiện đại nhất, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân hiện nay là nhà ở có giá tầm trung nhưng chất lượng vẫn đạt chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS thì, các nhà đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn dè dặt các vấn đề về thủ tục, pháp lý, nên đa phần vẫn là liên danh, liên kết với DN trong nước. BĐS vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp định TPP vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các nhà đầu tư BĐS. Những DN nào có chiến lược, kế hoạch bài bản, đảm bảo chất lượng sẽ phát triển bền vững. Ngược lại, những DN có năng lực yếu kém, không bắt kịp xu thế của thị trường sẽ bị đào thải.
Chính vì vậy, các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Đặc biệt, cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực trong phát triển thị trường BĐS Việt Nam…
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng