TP.Hồ Chí Minh: Nhà phố rớt giá

Cập nhật 22/08/2012 16:15

Trong một thời gian dài khủng hoảng của thị trường BĐS, giá căn hộ, đất dự án tụt giảm thê thảm, mảng nhà phố trong các khu dân cư ổn định vẫn giữ được mặt bằng giá khá tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian cầm cự, đến thời điểm hiện nay, giá nhà phố đã bắt đầu tụt giảm khá mạnh.

Mặt bằng giá nhà phố đã giảm rất nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Mai

Bán thấp hơn định giá ngân hàng


Anh Cao Thanh Hòa sau một thời gian theo đuổi đã mua được một căn nhà phố ở khu Hòa Hưng – Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10, TPHCM. Căn nhà được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 40m2, xây dựng 3 tầng, 4 phòng ngủ, 2 phòng tổng hợp, với tổng diện tích xây dựng 152m2 với giá 3,1 tỉ đồng. Tính ra mỗi mét vuông giá khoảng 20 triệu đồng, thấp hơn giá bán căn hộ trong một khu chung cư gần đó. Anh Hòa cho biết thêm: “Căn nhà này được ngân hàng định giá 4,7 tỉ đồng, trước đây một năm chủ nhà kêu bán với giá 5,2 tỉ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh giá bán được rút xuống còn 3,5 tỉ đồng. Sau nhiều lần đi lại, thương lượng cuối cùng giá mua bán được gút lại còn 3,1 tỉ đồng.

Nguyễn Văn Trung – một người chuyên môi giới mua bán nhà phố khu vực quận 3, quận 10 – cho biết: “Nhà phố hiện nay khá dễ mua, nhất là đối với những căn nhà trong hẻm, chỉ dùng để ở có giá trị từ 3 đến 5 tỉ đồng. Nếu quy diện tích ra mét vuông và bán như kiểu căn hộ chung cư thì hiện nay giá nhà phố đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Nhà diện tích càng lớn, giá trị càng cao thì giá bán quy ra m2 xây dựng giá càng rẻ. Ngược lại đối với những căn nhà phố có diện tích xây dựng khoảng trên dưới 100m2, giá bán tính bình quân khoảng 22 – 25 triệu đồng/m2”. Cũng theo anh Trung: “Tôi làm môi giới nhà đất đã 10 năm, thông thường giá bán nhà phố tính theo mét vuông bao giờ cũng gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá bán căn hộ cùng khu vực, nhưng hiện nay khoảng cách này đang bị thu hẹp”.

Thị trường nhà phố để ở, nhà phố để kinh doanh hiện nay nguồn hàng khá phong phú. Một căn nhà khác, 2 mặt tiền tọa lạc tại vòng xoay Hàng Xanh, diện tích đất gần 100m2 được chào bán giá 12 tỉ đồng. Theo người môi giới, căn nhà này trước đây vài năm chủ đã mua với giá 16 tỉ, nay buộc phải bán lỗ khoảng 4 tỉ đồng. Trước đây, khi muốn mua nhà phố trên địa bàn quận 1, cả người mua và người bán đều phải trả tiền cho môi giới. Hiện nay, trong tình cảnh thị trường khó khăn, đã xuất hiện nhiều quảng cáo công khai miễn phí môi giới cho người mua. Trong khi đó, người bán phải chi nhiều hơn cho môi giới từ 1,5 đến 3%, trước đây phí môi giới chỉ 1%.

Áp lực ngân hàng

Anh Nguyễn Thế Bình – chủ một văn phòng chuyên môi giới mua bán nhà phố có tiếng ở TPHCM – nhận định: “Tâm lý muốn sở hữu nhà phố mặc dù phải trả giá cao của nhiều người đã đẩy giá nhà phố tăng một cách liên tục trong suốt một thời gian dài. Thực ra, nếu phân tích trên góc độ kinh tế, việc đầu tư vào nhà phố là không hiệu quả bằng đầu tư vào các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, một căn nhà mặt tiền đường Lý Tự Trọng, quận 1, diện tích 4X20, cách đây khoảng 3 năm giá không dưới 1.000 lượng vàng. Nếu tính theo thời giá hiện nay là khoảng 40 tỉ đồng. Với 40 tỉ đồng, chỉ đem gửi NH cũng có thể kiếm được 300 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu đem 40 tỉ đồng đầu tư vào một căn nhà sau đó cho thuê kinh doanh xe máy thì chỉ có thể đem lại thu nhập từ 2.500 – 4.000USD/tháng, thấp hơn rất nhiều với lãi ngân hàng”.

Cũng theo anh Nguyễn Thế Bình: “Trong tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản khốn đốn, từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá nhà phố sụt giảm rất nhanh. Nếu tính ra giá vàng, những người mua nhà phố trước đây còn bị lỗ nặng. Thị trường nhà phố trong thời gian gần đây trở nên “dễ thở” cho người mua nguyên nhân chủ yếu do áp lực từ phía NH. Đại đa số những căn nhà mà chủ nhà chấp nhận giảm giá sâu để bán đều ít nhiều liên quan đến NH. Rất nhiều căn nhà chủ nhà buộc phải bán với giá thấp lấy tiền trả NH để tránh việc bị giải chấp. Cho dù bán giá thấp hơn bình thường nhưng vẫn là lựa chọn tốt hơn cho người bán nếu so với việc bị NH phát mãi. Hơn nữa, khi chủ nhà tự đứng ra bán nhà họ được quyền chủ động, trong khi nếu để ngân hàng phát mãi thua thiệt bao giờ cũng thuộc về người cầm cố tài sản”.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động