TP.HCM vẫn 'khát' nhà ở xã hội

Cập nhật 28/10/2020 10:42

"Nhà ở giá hợp lý sẽ là công cụ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng rộng khắp ở khu vực đô thị".

Vành đai công nghiệp phía Nam TP.HCM tại Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú tạo nên sự phát triển bền vững mạnh mẽ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là nhận định quan trọng mà báo cáo nghiên cứu "Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - con đường phía trước" của Ngân hàng Thế giới đưa ra.

Nền tảng của "bát giác kim cương"

Khi những hình ảnh của tuyến metro số 1 liên tục được mọi người chia sẻ với rất nhiều kỳ vọng, dự án metro số 3A tuyến Bến Thành - Tân Kiên cũng đang trong những bước cuối cùng để chính thức khởi công.

Tuyến đường dài 20km, 18 nhà ga, tổng mức đầu tư 68.000 tỉ này nhằm hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho đô thị lớn nhất nước.

Dự án này sẽ kết nối trực tiếp với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạo thành hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, nối kết khu vực Đông Bắc và Tây Nam của thành phố, mở ra một khu vực sầm uất mới: khu vực Bình Chánh.

Sự phát triển của hạ tầng giao thông liên vùng, trung tâm hậu cần (logistics) ở ga Tân Kiên kết nối miền Tây sẽ mở ra những đầu mối kinh tế rất quan trọng. Hàng ngàn xí nghiệp, nhà máy, các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang xếp hàng để mọc lên dày đặc tại vùng đất giàu tiềm năng này.

Mới đây, trong buổi làm việc với các tỉnh thành phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "TP.HCM cùng với 7 tỉnh thành gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Long An sẽ trở thành bát giác kim cương" thúc đẩy sự thịnh vượng để Việt Nam vươn tầm khu vực.

Sự phát triển của TP.HCM không chỉ là bước tiến thịnh vượng của các tập đoàn lớn mà còn là sự phát triển của hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đúng với trọng tâm kế hoạch về một vùng đất đầu tàu đầy năng động và đột phá, vành đai công nghiệp phía Nam TP.HCM với hàng chục ngàn hãng xưởng của các doanh nghiệp, chủ yếu là trong nước, tại Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú hình thành tự nhiên đã tạo nên sự phát triển bền vững mạnh mẽ cho khu vực, kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Và chưa bao giờ từ khóa "nhà ở xã hội khu vực Bình Chánh" lại được tìm kiếm nhiều đến vậy trên Google: 23.200.000 kết quả trong chưa đầy một giây. Sức nóng và mức độ cầu của thị trường đang phả vào thị trường.

Cấu trúc của vành đai công nghiệp phía Nam

Theo mô hình phát triển chung của nhiều quốc gia, nhu cầu nhà ở xã hội cho lực lượng lao động của vùng công nghiệp trọng điểm là một điều tất yếu. Các chuyên gia khuyến nghị rằng nhà ở xã hội sẽ là cú hích để phát triển kinh tế ở vành đai công nghiệp phía Nam TP.HCM chứ không phải là các mô hình bất động sản cao cấp như hiện nay.

Theo Ngân hàng Thế giới, "nhà ở giá hợp lý" tại TP.HCM hiện rất lớn. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2016-2019 chỉ có khoảng 14 dự án nhà ở xã hội với quy mô 10.255 căn hộ được đưa vào sử dụng, trong khi nhu cầu thực tế là gấp 10 lần, khoảng 134.000 căn.

Đến giờ này, các quỹ đất mà TP.HCM dành cho nhà ở xã hội cũng đang rất hiếm và đặc biệt hơn rất khó tìm được nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số lượng vốn lớn để làm hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông đồng bộ phát triển trở thành đô thị nhà ở xã hội kiểu mẫu, đóng vai trò là một kiểu mẫu hoàn toàn mới đáp ứng được sự phát triển bền vững của nền kinh tế Nam Sài Gòn.

3 Sáng kiến Chương trình tổng thể tầm quốc gia về nhà ở giá hợp lý

Sáng kiến 1 - Hỗ trợ tài chính nhà ở

Sáng kiến 2 - Nhà cho thuê giá hợp lý

Sáng kiến 3 - Nhà ở cơ bản ban đầu

(Nguồn: Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ