Dự kiến trong năm 2010, UBND TPHCM sẽ thu hồi thêm 40 khu đất, kho bãi đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng lãng phí. Trong đó, có 18 khu đất thuộc sự quản lý của các bộ, ngành trực thuộc trung ương trên địa bàn thành phố.
Thông tin trên được ông Trần Nam Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính thành phố cho biết tại diễn đàn “Nói và Làm” do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng nay 3-1.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 222 héc ta mặt bằng kho bãi bỏ trống, khu đất sử dụng sai mục đích gây lãng phí.
Theo ông Trang, trong năm 2009, thành phố đã thu hồi tổng cộng 49 mặt bằng, kho bãi sử dụng sai mục đích, lãng phí với diện tích thu hồi khoảng 116.000 m2.
Vấn đề các khu đất, kho bãi sử dụng sai mục đích, gây lãng phí được đại biểu HĐND thành phố phản ánh khá nhiều lần, tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước của thành phố, trung ương đóng trên địa bàn thành phố vẫn còn chậm bàn giao mặt bằng để sử dụng vào việc xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện…
“Sở dĩ đến nay vẫn còn tồn tại nhiều kho bãi, mặt bằng thuộc sự quản lý của các doanh nghiệp trung ương, địa phương đang chiếm hữu, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí lớn chính là do chúng ta làm chưa nghiêm, xử lý chưa tới nơi tới chốn các trường hợp chậm bàn giao mặt bằng”, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nêu ý kiến tại diễn đàn “Nói và Làm” sáng nay.
Về nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí trên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng là do vẫn chưa có cơ chế tách biệt rõ ràng giữa đất và tài sản trên đất. Ví dụ, một khu đất của doanh nghiệp trung ương trị giá hàng tỉ đồng, trên đất chỉ có một cái chòi trị giá vài triệu đồng, nhưng khi thành phố kiến nghị thu hồi mặt bằng thì phải đợi doanh nghiệp xin phép Bộ Tài chính để tiến hành thanh lý, cân đối tài sản trên đất.
Tại diễn đàn Nói và Làm sáng nay 3-1, khi được Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị nêu ý kiến dự báo về tình hình kinh tế xã hội của thành phố trong năm 2010, ông Trần Du Lịch khẳng định, thành phố cần phải giải quyết 3 "nghẽn mạch" chính nếu muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10% trong năm 2010. Đó là: cải tiến hạ tầng giao thông, cải tiến chất lượng nguồn nhân lực và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG