TP.HCM thông xe hàng loạt cầu lớn: Thúc đẩy phát triển các khu đô thị mới

Cập nhật 21/01/2009 08:30

Sáng 20-1, UBND TP.HCM tổ chức thông xe một phần cầu Calmette mới nối quận 1 với quận 4. Trước Tết Kỷ Sửu, cầu Khánh Hội mới, một phần cầu Nguyễn Văn Cừ cũng sẽ được thông xe.

Thêm cầu để tiến nhanh về phía nam

Tại buổi lễ thông xe cầu Calmette hôm qua, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT TP cho biết phần cầu mới chính này có chiều rộng 22 m dành cho sáu làn xe với tổng chiều dài hơn 300 m. Sau buổi lễ này, các đơn vị thi công sẽ tiếp tục thi công bốn nhánh, tạo thành hình chữ H chạy song song với rạch Bến Nghé, nối với tuyến đại lộ Đông-Tây phía quận 1 và đường Bến Vân Đồn phía quận 4.

Cũng theo ông Phượng, trong những ngày trước Tết Kỷ Sửu, cầu Khánh Hội mới rộng hơn 21,7 m cho bốn làn xe, dài 210 m và nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 4 với quận 1 và 5 cũng sẽ được thông xe. Việc thông các cầu này không chỉ giảm quá tải, ách tắc cho các cầu Ông Lãnh, Kênh Tẻ hiện nay mà còn góp phần tổ chức lại giao thông, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM về phía nam với các quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè...

“Con đường tiếp cận khu vực trung tâm cũ với các quận, huyện trên và ngược lại được rút ngắn sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước và xóa đi những xóm nghèo lâu nay ở quận 4, 8!” - ông Phượng nói.

Rạch Bến Nghé sẽ phục vụ du lịch

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT), cho biết hai cầu mới và nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 4 với quận 1, 5 đều có độ cao trên 3,5 m. Sau khi công trình đại lộ Đông-Tây và hầm Thủ Thiêm thi công xong, rạch Bến Nghé sẽ được nạo vét đến độ sâu bảo đảm cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông. Cùng với công trình xây dựng bờ kè hai bên (thuộc dự án vệ sinh môi trường nước TP hoàn thành vào sau năm 2010), rạch Bến Nghé sẽ trở thành con rạch sạch phục vụ cho vận tải thủy và du lịch.



Mặt cầu Khánh Hội đang được hoàn thiện để thông xe vào những ngày tới.


Theo ông Trần Quang Phượng, trên cầu Khánh Hội sẽ thiết kế chiếu sáng mới, hiện đại bằng cách không sử dụng các loại đèn cần vươn truyền thống mà sử dụng loại đèn gắn dọc theo lan can cầu. Cách chiếu sáng này sẽ tạo ra vẻ đẹp hài hòa, không phá vỡ cảnh quan được chiếu sáng mỹ thuật tại khu vực Bến Nhà Rồng hiện nay. “Tết Kỷ Sửu năm nay người dân TP.HCM có thêm một địa điểm tuyệt đẹp để đứng xem pháo hoa bắn lên từ Bến Nhà Rồng, đó là cây cầu Khánh Hội” - ông Phượng nói.

Ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng (Sở GTVT), cho biết thêm, sau khi các cầu Chà Và mới, Chữ Y và Nguyễn Văn Cừ được hoàn thành toàn bộ, công ty sẽ nghiên cứu thiết kế chiếu sáng bên dưới toàn bộ các cầu này.

Cùng với cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ được chiếu sáng mỹ thuật dưới dạ cầu sẽ tạo ra lung linh, huyền ảo, rực rỡ cho các dòng sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, Kênh Tẻ, Kênh Đôi... “Điều này sẽ thúc đẩy du lịch trên sông nước về đêm trên các sông, kênh rạch của TP thay vì chỉ thuần túy trên sông Sài Gòn như hiện nay” - ông Huệ nói.

Tháng 3, xử lý xong bốn đốt hầm chìm Thủ Thiêm

Ông Trần Quang Phượng cho biết đến nay các đơn vị liên quan đã thống nhất tiến hành các giải pháp xử lý vết nứt ở bốn đốt hầm chìm của hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. “Các vết nứt sẽ được khắc phục triệt để, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình. Dự kiến tháng 3-2009 sẽ xử lý xong các vết nứt và đến đầu quý I-2010 hoàn thành toàn bộ dự án đại lộ Đông-Tây!” - ông Phượng khẳng định.

Đến tháng 3-2009 sẽ thông xe các cầu Chữ Y, Chà Và và toàn bộ cầu Nguyễn Văn Cừ. Từ đầu quý II-2009 trở đi sẽ lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng các cầu Nước Lên, Rạch Cây, Lò Gốm... Các cây cầu này không chỉ phục vụ cho lưu thông thông suốt, không bị giao cắt bằng với đại lộ Đông-Tây mà còn nối các quận 5, 6, 8 phía bên này kênh Tàu Hủ với các khu vực lâu nay bị coi là “vùng sâu, vùng xa” của quận 8 và huyện Bình Chánh.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP