Ảnh minh họa (Internet) |
Nghề kiến trúc gọi là mảng, nhưng để có một tập hợp những mảng – những không gian đô thị – vừa đúng vừa đẹp thì chưa có, làm như hễ chân thì không thể có mỹ. Kiến giải về vấn đề này, cũng không có nhiều ý kiến tại hội thảo “Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư năm 2005 – 2010” do hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Ngoài hành lang, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị tìm cách tiếp cận với một số ý kiến, nhưng ít ỏi không kém. Giải thích nguyên nhân căn bản này, kiến trúc sư Vũ Đại Hải nói: “Chính là chúng ta thiếu tầm nhìn và cả bàn tay thiết kế đô thị.
Chúng ta lo quy hoạch, cấp phép lung tung mà không hề thấy được tầm quan trọng của việc thiết kế đô thị. Trường học thì không có ngành này, xã hội thì không coi trọng. Tôi làm công tác giảng dạy 40 năm nay, nhưng vẫn không thay đổi được gì ngoài việc khuyến khích sinh viên làm đề tài này”.
KTS Hải nói thêm: “Mới đây tôi tâm đắc với đề tài “Ô vuông phố đô thị Việt Nam”, vì nó gần với thực tế đô thị của ta, giữ được cá tính riêng của mỗi đô thị. Đô thị ô vuông xuất hiện một khái niệm mới: tình trạng mất trật tự xác định. Điều này phù hợp với những tổng thể nhỏ đặc trưng của đô thị Việt Nam, phù hợp với tính tự phát của đô thị.
Và theo tôi, tốt nhất để giải quyết tình trạng lộn xộn hiện nay là vừa thiết kế đô thị (khẩn cấp) vừa quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch theo kiểu như hiện nay vẫn chỉ là những phản ứng quy hoạch mà thôi”.
Theo ông Hải, kiến trúc đô thị của TP.HCM là một thân phận. Trải qua những biến động của lịch sử với dấu ấn để lại của các cuộc xâm lăng, thân phận đô thị Sài Gòn hiện nay như một đứa con lai, vì thế không thể bàn đến việc đậm đà bản sắc. Cứ tưởng tượng đưa một mái cong vào trục đường Lê Duẩn thì không giống ai. Không chỉ có Sài Gòn, một số nước châu Á khác cũng lâm vào cảnh này do yếu tố lịch sử.
Cụ thể hơn, ông Hải nói đến ba trục đường ở TP.HCM mà ông thật sự lấy làm tiếc vì mình không làm được, trong khi chuyện đó ở trong tầm tay của mình. Ông nói: “Một là trục đường đối ngoại từ sân bay Tân Sơn Nhất đến dinh Thống Nhất – đường Nguyễn Văn Trỗi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đổ cả tiền tỉ vào để đền bù, xây dựng, mở rộng vậy mà chỉ có một việc rất nhỏ là tập trung một nhóm kiến trúc sư thiết kế thẩm mỹ cho trục đường này cũng không làm được.
Để đến nỗi hôm nay nhìn nó nham nhở, màu sắc hỗn độn, nhà cửa thụt ra thụt vào, cái cao cái thấp… thật buồn. Đau lòng hơn nó lại là bộ mặt của thành phố chào đón tất cả những người khách khắp thế giới vào. Vậy mà con đường này hôm nay trở nên vô cảm, không có dấu hiệu phong cách nào rõ rệt. Và không hề có bàn tay thiết kế của kiến trúc sư.
Thứ hai là trục đường Điện Biên Phủ từ Hàng Xanh, cái vòng xoay to rộng kia hoá ra lại biến khu vực từ Đinh Tiên Hoàng trở thành nút cổ chai gây ra tắc nghẽn giao thông, chưa kể nhà hai bên đường cũng đã lố nhố.
Thứ ba là hai bờ sông kênh Nhiêu Lộc, ta có một con sông uốn lượn khắp thành phố đẹp như thế mà chẳng ai bàn đến việc thiết kế như thế nào, để dẫn đến tình trạng nhà cửa lộn xộn, những cây cầu bắc qua rất xấu”.
KTS Lê Quang Ninh lại cho rằng, “Tôi chuyên về bảo tồn, vì thế tôi quan tâm đến những không gian kiến trúc cũ bị phá vỡ. Có lần tôi nói thẳng thắn với một nhà quản lý: “Tôi không bao giờ đồng ý với dự án như vậy dưới góc độ của bảo tồn”, anh ấy trả lời: “Đã là quản lý thì phải chấp nhận vậy thôi”. Vậy tôi phải chấp nhận, và đô thị của chúng ta cũng đang phải chấp nhận?
Bản thân ông Ninh cũng đang tìm kiếm cho sự tương thích giữa cái mà nhà quản lý cho là đúng và kiến trúc sư vẫn thấy cái đúng ấy đẹp.
Ông than: “Điều buồn nhất của tôi hiện nay là nhìn đại lộ Đông Tây, toàn bộ cảnh quan không gian nơi đây đã bị phá vỡ. Đặc biệt kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn xưa như trên bến, dưới thuyền đã mất dấu. Hay như hầm Thủ Thiêm, tôi có cảm giác như thiếu một giá trị nhân văn, giá trị tinh thần nào được coi trọng nữa khi chúng ta làm con đường này, và tất nhiên dù đau lòng, vẫn phải coi như đó là một bộ mặt khác của việc phát triển đô thị. Chỉ có điều không biết nó sẽ tiếp diễn đến đâu, đến trục cảnh quan nào khác nữa”.
Một kiến trúc sư khác còn quan tâm đến tầng sâu của đô thị. KTS Cao Anh Tuấn nói: “Trước kia các cơ quan quản lý quan tâm đến di sản kiến trúc đô thị, họ lập danh sách hàng đầu là các di tích lịch sử chiến tranh, rồi đến nhà chùa, nhà thờ… Với tôi, đó chỉ là trên diện hẹp. Họ bỏ quên những quần thể di sản chìm khuất dưới mặt đất mà không phải tình cờ người ta gìn giữ nó bao lâu nay.
Hiện nay thành phố có khoảng hơn 20 miếng “đất vàng”, mà theo quan niệm hiện nay, đó là những miếng đất có giá trị đầu tư rất cao, nằm ngay trung tâm. Nhưng những khoảng trống đô thị đó, là khu di sản mà chúng ta cần bảo tồn như Ba Son, công viên 30.4, Tao Đàn… Ngày xưa nó là khu đất lịch sử. Cũng như vừa rồi ai cũng ngưỡng mộ khu Kum Ho nằm hoành tráng ở ngã tư Lê Duẩn – Hai Bà Trưng mà không ai biết phía dưới là vị trí ngay tim của hai thành cổ ngày xưa. Tôi cũng lấy làm tiếc là mai kia người ta sẽ lấp đầy những khoảng trống ấy bằng các dự án triệu đô. Làm sao để có thể ngăn ngừa việc này, làm sao để nó thực sự là khu đất vàng cho việc bảo tồn chứ không phải khu đất vàng cho kinh doanh thương mại?
Ngoài ra, theo tôi có những di sản đô thị mới đã hình thành ở thành phố này như phố đi bộ và đường hoa. Ở đó là một không gian có đủ các cấu trúc của một đời sống đô thị: những hội hè dân gian, không gian tâm linh của lễ tết. Đó là những di sản phi vật thể nhưng phải có bàn tay của các nhà kiến trúc. Những nhà kiến trúc tạo hình cho đường hoa, đường đi bộ và cả những nhà kiến trúc tâm linh tạo ra những sản phẩm văn hoá, trong đó các giá trị cũ, mới hoà quyện, tạo ra một không gian thật đẹp cho đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị