Tại buổi Tọa đàm Giải đáp thắc mắc của khách hàng về thị trường bất động sản (BĐS), quy hoạch, kiến trúc, tín dụng, pháp lí do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 28-5 tại TP.HCM, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu khẳng định, thị trường BĐS TP.HCM đã vượt qua 7 năm khủng hoảng và đang hồi phục mạnh.
DN giới thiệu dự án bất động sản tại Triển lãm bất động sản và trang thiết bị nội- ngoại thất, vật liệu xây dựng tại TP.HCM khai mạc ngày 28-5-2015. Ảnh:Nguyễn Huế
|
Theo HoREA), thị trường BĐS TP.HCM đã có sự hồi phục mạnh trong 5 tháng đầu năm 2015, thể hiện ở hàng loạt dự án lớn được tung ra thị trường, trong đó tập trung nhiều nhất là các dự án thuộc phân khúc cao cấp ở khu Đông thành phố.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trọng tâm, nền tảng của thị trường BĐS vẫn là phân khúc căn hộ vừa và nhỏ có giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn vì đây là phân khúc bền vững, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
Cùng quan điểm như trên, bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch HoREA nhận định, thị trường BĐS tại TP.HCM đang phục hồi ở tất cả các khu vực. Bên cạnh các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, quận 2, hàng loạt dự án nhà ở thuộc phân khúc trung bình tại Thủ Đức, quận 9, Gò Vấp, quận 12, quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Tân cũng đang bán rất tốt nhờ lợi thế tập trung số đông khách hàng là công nhân từ các khu công nghiệp và người nhập cư từ các địa phương vào thành phố. Các dự án có thiết kế tốt, giá cả hợp lí, phù hợp với nhu cầu an sinh của đa số người tiêu dùng dù ở khu vực nào cũng sẽ được tiêu thụ tốt do nhu cầu về nhà ở của dân cư tại các đô thị như TP.HCM còn rất lớn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới với sự tiếp sức của hàng loạt chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường BĐS sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Trong đó, quy định Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” cho thị trường BĐS
Thống kê của các đại sứ quán nước ngoài tại TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật, 120.000 người Đức và trên 6.000 người Philippines đang đang sinh sống. Tính chung cả nước có khoảng 500.000 ngàn người nước ngoài, trong đó có khoảng 30.000 CEO cao cấp đang sống và làm việc tại Việt Nam. “Từ thống kê trên có thể kì vọng việc mở cửa thị trường BĐS với người nước ngoài sẽ làm tăng đang kể sức mua đối với thị trường căn hộ”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Nhận định về sự hỗ trợ từ chính sách đối với thị trường BĐS, Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, nhiều chính sách có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện rất tốt thị trường BĐS.
Đồng thời đây cũng là thời điểm đánh dấu sự phát triển và hội nhập rất lớn của thị trường BĐS Việt Nam và khu vực. Trong đó, có thể kể đến các chính sách đáng chú ý như việc công nhận quyền mua và sở hữu nhà ở của Việt Kiều và người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam; người nước ngoài có kết hôn với người Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có quyền giống như người Việt Nam ở trong nước.
Liên quan đến chính sách tín dụng cho người mua nhà, cụ thể là gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh TP.HCM cho rằng, đây là gói thiết thực với chủ đầu tư và người mua nhà góp phần kích thích thị trường BĐS trong giai đoạn trầm lắng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải ngân gói hỗ trợ này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi đó sự hướng dẫn, điều chỉnh từ các cơ quan chức năng chưa được kịp thời dẫn đến việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng còn rất chậm.
“Hiện nay, tuy đã có nhiều quy định điều chỉnh nhằm đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng này như kéo dài thời gian cho vay từ 10 lên 15 năm, điều chỉnh giảm lãi suất từ 6% xuống còn 5% năm... tuy nhiên quy định về thu nhập phải dưới 9 triệu đồng/tháng đối với người lao động có thu nhập thấp cũng còn vướng mắc”, ông Linh cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan